Kinh tế Việt Nam 2019: Sức sống dẻo dai trong môi trường toàn cầu khó khăn

(BĐT) - Sức sống dẻo dai này là nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh mẽ, kết quả tốt của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu ấn tượng, các yếu tố căn bản của vĩ mô được cải thiện, tiền đề để Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng tốt. Đặc biệt, tăng trưởng cao đi đôi với lạm phát ổn định.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2019 tại cuộc họp báo công bố Báo cáo Điểm lại diễn ra chiều qua, 17/12/2019, tại Hà Nội. 

Kinh tế tăng trưởng cao nhờ nhiều động lực

Tại cuộc họp báo tháng 10 vừa qua, WB giữ nguyên dự báo về kinh tế Việt Nam như kỳ dự báo trước, với mức tăng trưởng GDP 6,6% trong năm 2019. Đến cuộc họp báo ngày hôm qua, WB nhận định, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%. Thậm chí, ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB còn cho rằng tăng trưởng có thể cao hơn 6,8% trong năm nay. Bên cạnh đó, nợ công giảm gần 8 điểm phần trăm GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp 4 năm qua. WB đánh giá đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Làm rõ nguyên nhân giúp Việt Nam có được một năm tăng trưởng rất tốt, ông Ousmane Dione cho rằng, tăng trưởng GDP được duy trì nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 - cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD mỗi tháng. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng kỳ năm trước.

Triển vọng trước mắt và trong trung hạn được WB dự báo tích cực với tăng trưởng quanh mức 6,5% trong những năm tới. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng, Chính phủ đã tạo được dư địa tài khóa nhất định thông qua chính sách tài khóa thận trọng.

Rủi ro ở chính những thế mạnh

Tuy đạt nhiều kết quả tốt, nhưng ông Jacques Morisset nhận định, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài, và vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn. Môi trường chính sách bên ngoài còn nhiều bất định, gây ảnh hưởng, xáo trộn các dòng vốn đầu tư quốc tế. Trong nước, cải cách cơ cấu diễn ra chậm hơn so với dự kiến, gây méo mó về phân bổ nguồn lực, môi trường kinh doanh, triển vọng xấu về tăng trưởng dài hạn.

Ngay cả đối với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu cũng có rủi ro. “Tăng trưởng xuất khẩu gần 10% trong năm 2019 là rất tốt, nhưng nhìn vào thị trường xuất khẩu, phân biệt xuất khẩu sang Mỹ và thị trường ngoài Mỹ thì thấy xuất khẩu sang Mỹ tăng 30%, nhưng ngoài Mỹ chỉ tăng khoảng 3,6%. Xuất khẩu tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ, cũng cần lưu ý đến chuyển hướng thương mại của Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Jacques Morisset phân tích.

Ngoài ra, FDI vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại so với hai năm trước đó. Trước năm 2016, đầu tư FDI chủ yếu vào mở nhà máy mới, dự án mới, nhưng thời gian gần đây M&A tăng nhiều.

Để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, chuyên gia của WB khuyến nghị, cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự phát triển, trong đó, được nói đến nhiều nhất là khả năng tiếp cận tín dụng. “Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm, hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”, ông Ousmane Dione khuyến nghị.

Ông Ousmane Dione cũng gợi ý, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước bắt đầu phải nhìn ra thị trường nước ngoài, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, tạo ra của cải đưa về Việt Nam đầu tư lại. Đó là cách mà Trung Quốc đã làm được rất tốt. Chính phủ cần có chiến lược về tài chính, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có điểm bắt đầu, từng bước có chiến lược hướng ra quốc tế. Đồng thời, nhìn nhận rõ năng lực cạnh tranh của quốc gia là gì để vươn ra nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục