Làm gì để nắm bắt cơ hội chuyển đổi số?

(BĐT) - “Hiện nay, hầu hết các tập đoàn lớn nhất trên thế giới, bao gồm cả sản xuất và phát triển công nghệ mới đã có mặt tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN), kỹ sư của Việt Nam đã tham gia vào quá trình đổi mới, sáng tạo ra những công nghệ mới. Việt Nam luôn mong muốn được tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài trong thời gian tới”.
Việt Nam có nhiều cơ hội để hợp tác làm ăn trong lĩnh vực chuyển đổi số. Ảnh: Thạch Lựu
Việt Nam có nhiều cơ hội để hợp tác làm ăn trong lĩnh vực chuyển đổi số. Ảnh: Thạch Lựu

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2019 diễn ra ngày 16/10, tại Hà Nội. Hội nghị thu hút hơn 800 đại biểu đại diện cho cộng đồng DN châu Á và thế giới, cùng các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế tham gia. 

Mở rộng cửa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, xu thế mở rộng, tăng cường hợp tác là tất yếu, không ai có thể tách riêng. Tuy nhiên, làm thế nào để bước qua thử thách và tận dụng cơ hội là vấn đề đặt ra cho Việt Nam - một nước đang phát triển.

Nhận thức được điều này, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019 đã tăng 10 bậc, và đáng mừng hơn là trong 12 trụ cột đánh giá trực tiếp thì trụ cột liên quan đến công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0 có bước tăng mạnh mẽ.

Để nắm bắt cơ hội chuyển đổi số, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó xác định thời cơ đang đến và sẽ đến, nhưng sẽ qua đi nếu không kịp nắm bắt. Hiện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam mong muốn sớm cải thiện điều này.

“Điều quan trọng là cần phải thay đổi tư duy. Có nhiều việc với tư duy trước là đúng nhưng giờ không còn phù hợp, thì phải thay đổi để tạo môi trường phát triển mô hình kinh doanh mới. Nếu cái gì chưa được pháp luật điều chỉnh thì phải điều chỉnh trên tinh thần hài hòa lợi ích, khuyến khích mô hình phát triển trên thực tiễn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.

Với cơ sở dữ liệu người dùng lớn và cơ cấu dân số vàng, theo ông Vincent Trương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sunny World, đây là cơ hội kinh doanh lớn đối với các DN trong và ngoài nước tại Việt Nam. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực khi lãnh đạo Đảng, Chính phủ chủ trương phát triển kinh tế dựa trên nền tảng 4.0, huy động sự đóng góp của khu vực tư nhân. Hiệp hội DN đã phát huy được vai trò kết nối DN trong nước và quốc tế, chia sẻ tiếng nói vì lợi ích chung.

Trước cộng đồng DN trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Việt Nam không chỉ là đối tác kinh doanh tin cậy với mục tiêu kinh doanh cùng có lợi, mà còn muốn trở thành người bạn chân thành với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cam kết nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất tại Hội nghị, mở cửa và ủng hộ các sáng kiến cho mọi đối tác”. 

Tối ưu hóa công nghệ và nhân lực cho chuyển đổi số

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam có nhiều cơ hội để hợp tác làm ăn trong lĩnh vực chuyển đổi số. Điều kiện để thực hiện chuyển đổi số là có sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, hạ tầng, cơ sở dữ liệu, kết nối... Muốn có được điều kiện này, trước tiên, môi trường thể chế phải thông thoáng, công bằng. Không gian số là không có giới hạn cho sự sáng tạo, đổi mới và thay đổi rất linh hoạt. Do đó, đã đến lúc DN phải chủ động đề xuất với Chính phủ để có con đường đi lên nhanh nhất, chứ không phải là cơ chế xin - cho.

“Mặc dù là quốc gia đi sau, nhưng chúng ta có cơ hội vươn lên trước, đạt đến trình độ cao nhất về công nghệ. Do đó, các DN Việt Nam không nên rụt rè khi tiếp cận với thị trường thế giới. Thực tế đã chứng minh như trường hợp của Viettel, họ không chỉ chọn cách tiếp cận ở một địa phương, thị trường trong nước mà vươn ra cả bên ngoài. Đây cũng là một trong những DN đang tiến tới phát triển công nghệ 5G trong cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu”, ông Thiên nêu ví dụ.

Tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đã được vực dậy, lên cao trong những năm gần đây và dần đi vào quỹ đạo. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy vẫn cho rằng, các startup đừng nên quá lạc quan vào các câu chuyện khởi nghiệp này. Trên 95% DN trong nước là DN nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chủ yếu mức 2.0 và 3.0, phần nhiều là 2.5. Đa số các DN khởi nghiệp mới chỉ bắt chước các ý tưởng, chưa có nhiều cái riêng, chưa có phát minh được bảo hộ tài sản. Trong khi đó, các startup trên thế giới khi tăng trưởng cao đều dựa trên các bằng phát minh, sáng chế, dựa trên các ý tưởng mới nhất trên thế giới và dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ tích lũy từ lâu. Nếu chúng ta không có đầu vào như thế mà chỉ tập trung ở đầu ra sẽ rất khó phát triển nhanh trên thị trường thế giới.

Để tận dụng được các cơ hội chuyển đổi số, ông Vincent Trương cho rằng, các DN cần tập trung tái cấu trúc nội bộ, cập nhật kiến thức quản trị mới liên tục; thúc đẩy hợp tác với các đối tác để chuyển giao công nghệ, chia sẻ đầu tư, tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương và địa phương. Sunny World đang triển khai các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều dự án nông nghiệp thông minh, thành phố thông minh, du lịch thông minh... và mong muốn hợp tác.

Tin cùng chuyên mục