Lạm phát đối diện lực đẩy mới

(BĐT) - Giá dịch vụ y tế tăng, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang bị đẩy giá do dịch bệnh và lũ lụt ở một số địa phương, tỷ giá USD/VND chịu sức ép từ xu hướng phá giá tiền tệ trên thế giới. Đây là những lực đẩy mới đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 và cả năm.
Giá dịch vụ y tế tăng, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bị đẩy giá có thể gây áp lực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ảnh: Lê Tiên
Giá dịch vụ y tế tăng, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bị đẩy giá có thể gây áp lực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ảnh: Lê Tiên

Những yếu tố bất lợi

Bộ Y tế vừa đồng thời ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế và ngoài phạm vi bảo hiểm y tế.

Theo Bộ Y tế, 2 thông tư được ban hành không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh so với các thông tư trước đó, mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1,39 triệu đồng sang mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng. Theo đó, mức giá khám bệnh, ngày giường được điều chỉnh tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%. Tổng cục Thống kê dự kiến, việc thực hiện mức giá theo lương cơ sở 1,49 triệu đồng sẽ tác động làm tăng CPI tháng 8 khoảng 0,2% đến 0,3%.

Trên thị trường lương thực, thực phẩm, giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây. Tại các tỉnh miền Nam, giá lợn hơi hiện được giao dịch ở mức 30.000 - 38.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 7. Tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi hiện ở trên mức 45.000 đồng/kg, thậm chí được giao dịch ở mức trên 50.000 đồng/kg ở một số địa phương như Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc. Giá thịt lợn hơi tăng mạnh do thiếu nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, giá rau xanh ở một số tỉnh đang tăng do lũ lụt. Đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tính CPI nên được dự báo sẽ có tác động đáng kể.

Khác với xu hướng tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ nêu trên, đồng VND đang giữ giá khá tốt giữa lúc nhiều đồng tiền khác trên thế giới đã giảm giá. Đáng chú ý, tính từ đầu tháng 8, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đợt áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ (CNY) đã giảm giá gần 2,6% so với đồng USD.

Trong bối cảnh đó, tỷ giá USD/VND biến động không đáng kể, hiện tương đương với tỷ giá tại cuối năm 2018, VND trở thành một trong những đồng tiền có mức biến động thấp nhất so với USD kể từ đầu năm đến nay. 

Lạm phát năm nay sẽ dưới 3% hay dưới 4%?

Đánh giá về lạm phát những tháng còn lại của năm nay, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, mức tác động của những yếu tố nêu trên là không đáng kể. Bởi lẽ, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo lộ trình và mức độ điều chỉnh vừa qua là không quá lớn, giá thịt lợn và các mặt hàng tiêu dùng khác có tăng song mức tăng không quá mạnh. Trong khi đó, các điều kiện để kiểm soát tỷ giá USD/VND là tích cực (nguồn cung ngoại hối khá dồi dào, thặng dư thương mại lớn…).

“Không có sức ép giảm giá đồng tiền từ phía cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Có chăng chỉ là đồng tiền các nước giảm giá thì VND cũng phải giảm giá theo. Hơn nữa, việc giảm giá đồng tiền không có lợi cho ổn định vĩ mô nên nhiều khả năng VND sẽ giữ ổn định giá trị”, ông Độ nói. Với những phân tích đó, vị Phó Viện trưởng dự đoán, lạm phát năm 2019 chỉ ở mức dưới 3%.

Trong khi đó, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định: “Không nên lạc quan quá sớm về lạm phát năm nay. Đã có những yếu tố hỗ trợ để kiềm giữ CPI dưới 4% cho cả năm, tuy nhiên, mức dưới 3% là không chắc chắn. Bởi lẽ, đến hết tháng 7, CPI đã tăng 2,61%, chỉ cần mỗi tháng còn lại của năm tăng 0,1% thì đã vượt qua mức 3%”.

Ông Long cho rằng, vẫn còn nhiều yếu tố có khả năng đẩy lạm phát, đó chính là giá dịch vụ y tế và giá thịt lợn. Theo đó, diễn biến thị trường còn nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh. Ít người dự đoán được là giá thịt lợn hơi có thể tăng lên trên 50.000 đồng/kg như những ngày gần đây. Tình trạng lũ, lụt ở một số tỉnh đang gây khan hiếm nguồn cung lương thực, rau củ và tạo sức ép lên mặt bằng giá các loại hàng hóa này.

“Lạm phát năm nay không quá đáng ngại nhưng các cơ quan quản lý không thể chủ quan. Cần theo dõi sát diễn biến cung cầu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm... Đặc biệt, cần chủ động điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá để kiểm soát lạm phát”, ông Long nói.

Tin cùng chuyên mục