Năm 2018: Quan trọng nhất là thực thi chính sách

(BĐT) - Năm 2017 sắp khép lại với rất nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế. Trò chuyện với Báo Đấu thầu, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra nhiều việc làm được, nhiều việc cần phải làm trong năm giữa của kế hoạch 2016 - 2020.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Năm 2017 được đánh giá là có nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, ông ấn tượng với những kết quả nào?

Ấn tượng nhất là tuy có nhiều thách thức nhưng cuối cùng vẫn đạt trọn vẹn các chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế ở 6 tháng cuối năm, góp phần làm tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 6,7%. Tinh thần làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ và các bộ là không quản ngày đêm và lao vào các điểm nóng để giải quyết công việc, tức là không còn chần chừ mà rất là linh động. Chính phủ đã tập trung giải quyết các điểm nóng nhằm ổn định thị trường.

Thứ hai là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thể hiện qua kiểm soát lạm phát trong mức Quốc hội quy định, tỷ giá ổn định, cán cân thương mại thặng dư kéo giảm bội chi ngân sách, từ đó kéo giảm nợ công.

Kết quả thứ ba rất ấn tượng là hiệu quả trong điều hành quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội tốt hơn, thể hiện rõ qua chỉ số về năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Năm 2017, đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP ước đạt 44,13%, cao hơn so với năm 2016 (40,68%) và cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (33,58%). Điều đó thể hiện, Chính phủ minh bạch, kiến tạo, đã tạo ra được động lực cho phát triển. 

Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy được những cơ hội đầu tư tại Việt Nam, thấy được kinh tế vĩ mô và tình hình chính trị ổn định nên đã tăng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam cả trực tiếp và gián tiếp. Điều đó cũng tạo điều kiện cho chúng ta có cơ hội chọn lọc được các nhà đầu tư có chất lượng tốt. Đồng thời, Chính phủ đã bước đầu kết nối được doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước.

Năm 2018: Quan trọng nhất là thực thi chính sách ảnh 1
Ông Trần Hoàng Ngân
Năm 2018, nền kinh tế phải đối diện với những thách thức gì, thưa ông?

Biến đổi khí hậu, an ninh mạng, tình hình về chính trị, địa chính trị thế giới, lãi suất đồng USD trên thị trường quốc tế, sự cạnh tranh của thế giới... Các nước đều đang tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài, sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, khốc liệt giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Các nước đều ý thức được phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập ngày càng sâu rộng, thách thức ngày càng lớn.

Những thách thức, hạn chế nội tại của kinh tế Việt Nam đã được nhận diện, vấn đề là triển khai khắc phục. Xử lý nợ xấu đã có Nghị quyết 42, sở hữu chéo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Chi thường xuyên tăng thì Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề là triển khai Nghị quyết như thế nào, phải tinh gọn cho được bộ máy, làm tốt khâu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức sát thực tế, không để “trên nóng, dưới lạnh”. Cho dù cải cách thể chế thế nào mà con người chậm chạp, thì nền kinh tế sẽ chậm chạp. Dù cắt thủ tục hành chính bao nhiêu chăng nữa thì nếu cố tình làm không tốt sẽ vẫn ảnh hưởng. Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cũng phải sát thực. 

Về chính sách tiền tệ và tài khóa, theo ông năm 2018 chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề gì?

Chính sách tiền tệ phải đảm bảo được kiểm soát lạm phát ở mức 4% nhưng phải hỗ trợ tăng trưởng từ 6,5 - 6,7%, kéo giảm nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng dưới 5%, xử lý nhanh sở hữu chéo của ngân hàng thương mại theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt theo quy luật cung cầu.

Chính sách tài khóa phải triển khai hiệu quả các luật thuế hiện hành để chống thất thu thuế, chống chuyển giá; tiết kiệm, giảm chi thường xuyên qua tinh gọn bộ máy, kéo giảm bội chi, nợ công, đảm bảo hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công.

Làm tốt, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng phân cấp, phân quyền cho đơn vị, địa phương tự chủ tài chính, địa phương nào tự chủ được tài chính, khoản thu ngân sách lớn hơn khoản chi ngân sách thì được phân cấp, địa phương thu nhỏ hơn chi, phải nhận vốn điều chuyển từ Trung ương về thì phải giám sát, chưa thể phân cấp.

Tin cùng chuyên mục