Năm 2019, lạm phát sẽ giằng co với tăng trưởng

(BĐT) - Giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2018 ở mức 4% là hoàn toàn khả thi khi CPI 11 tháng mới ở mức 3,46% và Chính phủ vẫn nhất quán quan điểm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, việc kiềm chế CPI năm 2019 bằng với mức của năm 2018 được dự báo sẽ gặp khó khăn trước kỳ vọng tăng trưởng vẫn ở mức cao.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018 ở mức 4% là hoàn toàn khả thi. Ảnh: Lê Tiên
Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018 ở mức 4% là hoàn toàn khả thi. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát năm 2018

Các yếu tố có tác động tích cực với mặt bằng giá cả tháng 11 là nhiều mặt hàng thiết yếu cùng giảm giá và các loại dịch vụ thiết yếu do Nhà nước kiểm soát giá vẫn giữ ổn định. Về chính sách tài khóa, giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mới đạt 62,2% kế hoạch cả năm. Trên thị trường tiền tệ, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động của một số ngân hàng đã được đẩy thêm từ 0,1 - 0,2% trong tháng vừa qua, song các động thái tăng lãi suất cho vay vẫn rất thận trọng và dè dặt trước chính sách ổn định lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương nhất quán với chủ trương của Chính phủ về kiểm soát chặt chẽ giá cả các loại hàng hóa và dịch vụ. Đó là, rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá như thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...; kiểm soát cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm; kiểm soát giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính, hoàn toàn không lo ngại về CPI của năm nay bởi giá nhiên liệu đã giảm, các mặt hàng thiết yếu khác cũng ổn định, tình trạng thanh khoản của các ngân hàng vẫn tốt và động thái tăng lãi suất chủ yếu nhằm tăng huy động để đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nguồn cung tiền đổ ra nền kinh tế không lớn bởi nhiều ngân hàng đã chạm trần hạn mức tín dụng.

Phân vân với cơ hội tăng trưởng cao

Trong khi mục tiêu CPI năm 2018 gần như đã nằm trong tầm tay, việc kiềm chế lạm phát của năm sau ở mức 4% vẫn còn khiến một số chuyên gia quan ngại khi đặt trong tương quan với kỳ vọng tăng trưởng GDP khoảng 6,6 - 6,8%.

Yếu tố rõ rệt nhất sẽ tác động đến CPI năm 2019 là đà tăng giá của nhiên liệu khi mỗi lít xăng sẽ chịu thêm 1.000 đồng và mỗi lít dầu các loại phải cộng thêm từ 500 - 1.100 đồng/lít (kg) thuế bảo vệ môi trường. Tính toán về ảnh hưởng tới CPI trong năm 2019 từ giá các loại nhiên liệu này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, mức tăng thuế bảo vệ môi trường như vậy sẽ đẩy CPI cả năm tăng khoảng 0,12 - 0,14%. Bên cạnh đó, diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới là khó dự đoán bởi tình trạng cung - cầu hàng hóa trên thị trường vẫn chịu sự chi phối từ những căng thẳng về địa chính trị giữa các quốc gia.

Từ góc độ chính sách tiền tệ, điểm đáng lo ngại là độ trễ từ tác động của xu hướng tăng lãi suất những tháng cuối năm 2018 và “ẩn số” từ chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Về giá cả các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, năm 2019, với chủ trương đưa thêm chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, dự kiến CPI cả năm bị đẩy thêm khoảng 0,28%, theo tính toán của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Độ, nếu các chính sách và chủ trương kiểm soát lạm phát được thực thi tốt thì CPI cả năm sau vẫn có khả năng giữ ở mức 4% như năm nay.

Trong khi đó, phân tích trong mối tương quan giữa kiềm chế lạm phát với mục tiêu và kỳ vọng nắm bắt cơ hội tăng trưởng kinh tế cao trong điều kiện hiện nay, chuyên gia kinh tế - TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, CPI năm 2019 có thể cao hơn năm nay và phụ thuộc chủ yếu vào cách điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả.

Trong những năm gần đây, chủ trương điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ là nhất quán ổn định về chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo ông Ánh, năm 2019, nếu mục tiêu đó vẫn duy trì và thực hiện được thì nhiều khả năng kiềm chế lạm phát tốt, tuy nhiên, trở ngại đáng kể với nỗ lực này là mức tăng trưởng được xác định khá cao.

“Mấy năm gần đây, tăng trưởng kinh tế duy trì trên 6%. Do đó, dư địa chính sách cho tăng trưởng kinh tế cao không còn nhiều và đòi hỏi thực hiện các động thái nới lỏng. Cụ thể là nới lỏng chính sách tài khóa để tăng đầu tư và nới lỏng tín dụng để tăng nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Điều này gây áp lực với nỗ lực kiềm chế lạm phát. Mặt khác, với các điều kiện thuận lợi như xuất nhập khẩu tốt, dự trữ ngoại hối khả quan, tổng đầu tư toàn xã hội cao, nên bắt lấy cơ hội này để đẩy mạnh tăng trưởng vượt 7%”, ông Ánh nói và bình luận thêm: “Chính sách điều hành sẽ không dễ dàng giữa mong muốn tăng trưởng cao và kiềm chế lạm phát. Quan điểm của tôi là nên nới chỉ tiêu lạm phát năm 2019 lên mức trên 5% để tạo dư địa cho việc nới lỏng chính sách nhằm nắm lấy cơ hội tăng trưởng cao”.

Tin cùng chuyên mục