Nắm cơ hội từ các FTA mới: Hóa giải “rào cản” kỹ thuật

(BĐT) - Cùng với Hiệp đinh Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang chật vật với những rào cản kỹ thuật rất lớn ngay trên “sân nhà”. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang chật vật với những rào cản kỹ thuật rất lớn ngay trên “sân nhà”. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tận dụng được các cơ hội này xem ra không phải chuyện dễ dàng.

Vướng nhiều rào cản

Bộ Công Thương đánh giá, khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu Việt Nam có cơ hội bứt phá. Bởi ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.  Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA chúng ta đã ký kết.

Làm thế nào để DN Việt Nam nắm bắt cơ hội này? Theo TS. Nguyễn Đình Cung, đây là vấn đề không dễ dàng. “Đến nay, chúng ta ký kết nhiều hiệp định kinh tế, nhưng chủ yếu cơ hội đều dành cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm ăn tại Việt Nam, còn thực sự các DN của ta được lợi không đáng bao nhiêu”. Theo ông Cung, đến nay, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là từ các DN FDI. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông, lâm, thủy sản lại bị những rào cản kỹ thuật rất lớn, khiến DN xuất khẩu chật vật. 

“Hàng rào kỹ thuật là điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn về môi trường… của Việt Nam gần như rất khó tuân thủ với chi phí rất cao so với thông lệ quốc tế. Điều này khiến DN luôn ở thế phải đối mặt với hàng loạt rủi ro ngay từ “sân nhà” cho dù ở phía bờ bên kia đại dương cánh cửa đang mở cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ông Cung nêu thực trạng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, các tiêu chuẩn của Việt Nam rất khác biệt so với các nước xuất khẩu vào EU. Với tiêu chuẩn như vậy, hầu hết nhà máy chế biến thủy sản đều vi phạm tiêu chuẩn này khi thanh tra, kiểm tra. “Một khi DN thủy sản mà bị “vết” về vi phạm môi trường thì lập tức sẽ bị phía đối tác nhập khẩu hủy đơn hàng. Nguy cơ thiệt hại đối với DN thủy sản là rất lớn”, ông Nam nhấn mạnh.

Về các quy định đối với lao động, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, còn nhiều bất cập như vấn đề thời gian làm thêm giờ, danh mục công việc trong ngành chế biến thủy sản không được phép sử dụng lao động chưa thành niên khiến nhiều DN thủy sản bị các nhà nhập khẩu đánh trượt.

Tăng tốc tiến trình cải cách

Các FTA Việt Nam tham gia, đặc biệt là EVFTA, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà còn trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ… Tuy nhiên, để hiện thực hóa các cơ hội mở ra cho các DN, người dân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh của người dân và DN.

Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa tiến trình cải cách môi trường kinh doanh nhằm xóa bỏ rào cản cho DN ngay từ trong nước thì mới có thể nói đến nắm được cơ hội từ các FTA mới. “Những hàng rào kỹ thuật vô lý gây tốn kém chi phí cho DN cần được “cởi bỏ”. Các chính sách được ban hành phải bảo đảm thuận lợi, công khai, minh bạch, công bằng để người dân và DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh với chi phí hợp lý”.

Đại diện các DN thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam mong muốn các DN hãy tự bảo vệ mình bằng cách phản ánh những chính sách chưa hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh thay vì im lặng “ngậm đắng nuốt cay”. Đặc biệt, theo ông Nam, hoạt động hướng dẫn thực thi chính sách pháp luật rất cần sự công tâm, tránh việc cài cắm, lồng ghép các quy định để làm khó DN. Bên cạnh đó, bản thân DN cũng cần chủ động nắm vững các cam kết, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn cao từ các FTA mới.

Tin cùng chuyên mục