Nhiều nguyên nhân làm chậm giải ngân đầu tư công

(BĐT) - Trả lời đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua (15/8), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nêu rõ nhiều nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhật Bắc

Trong nhiều giải pháp cho vấn đề này, từ thực tế kiểm tra tại địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh đến nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm là câu chuyện của nhiều năm. Một trong những nguyên nhân là do tâm lý ỷ lại vì Luật Đầu tư công 2014 cho phép giải ngân trong 2 năm. Các tỉnh còn đủng đỉnh, chưa quyết liệt. Ngoài ra, giải phóng mặt bằng, công tác lựa chọn nhà thầu, tái định cư thực hiện chậm. Tâm lý đủng đỉnh đầu năm, cuối năm mới tập trung thực hiện thủ tục giải ngân, có dự án có khối lượng nhưng chưa quyết toán, nên số liệu thấp.

Bộ trưởng chia sẻ thêm một nguyên nhân mới là xuất hiện tâm lý e ngại, thực hiện chậm lại các thủ tục đầu tư theo quy định.

Theo Bộ trưởng, vừa qua Bộ KH&ĐT đã thành lập tổ công tác liên ngành đến một số địa phương nắm bắt tình hình, hướng dẫn thi hành pháp luật để thúc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này. Bộ đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong các tháng còn lại của năm, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn thời gian tới là các đồng chí đứng đầu bộ, ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt chỉ đạo. Ngoài ra, cần rà soát điều chuyển các nguồn vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án nhanh hơn, kiên quyết không bố trí vốn năm tới cho các dự án không có khả năng giải ngân.

Ngoài vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, theo một số đại biểu Quốc hội, xung đột giữa các luật liên quan đến đầu tư xây dựng, trong đó có quy định liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường ở 3 luật (Bảo vệ môi trường, Đầu tư và Đầu tư công) đã gây ra nhiều khó khăn trong triển khai dự án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ hơn, Luật Bảo vệ môi trường quy định đối với dự án phải phê duyệt chủ trương đầu tư thì khi trình phê duyệt phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ. Trong khi Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công quy định chỉ cần báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ vì ở bước này chưa có đủ thông tin, số liệu. “Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công trong mấy năm trở lại đây”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận xét.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, đã có đề xuất về vấn đề này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, đồng thời căn chỉnh Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện đã xử lý được trong Luật Đầu tư công (sửa đổi). Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, khi đó sẽ giải quyết được tổng thể. “Ở góc độ Bộ Tư pháp, chúng tôi nhận thấy xử lý vướng mắc này hơi chậm”, Bộ trưởng Tư pháp nêu.

Liên quan đến hiệu quả sử dụng vốn ODA thể hiện qua việc triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM tiến độ chậm, tăng vốn nhiều lần, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ, nguyên nhân chính là do dự án đường sắt đô thị đối với Việt Nam là lần đầu tiên thực hiện, hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực từ tư vấn đến cơ quan quản lý chưa theo kịp. Thời gian đầu sử dụng vốn ODA chủ yếu thu hút kinh nghiệm công nghệ của quốc tế, các nhà thầu thầu tư vấn quốc tế lập dự án, cơ quan Việt Nam thẩm định phê duyệt nhưng không lường trước được hết quá trình triển khai thực hiện về sau, chưa lường hết được quy mô hạng mục của dự án. Vì thế, dẫn đến phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh tăng vốn hàng chục nghìn tỷ tại một số dự án đường sắt đô thị dẫn đến nhiều vấn đề phải xem xét lại, như thẩm quyền phê duyệt, nguồn vốn ở đâu, đã tính vào kế hoạch trung hạn chưa, tỷ lệ như thế nào giữa vốn cấp phát và cho vay lại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến nay vấn đề thẩm quyền đã rõ, UBND TP.HCM đang tiến hành thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, thống nhất với Bộ Tài chính phương án vay lại và cấp phát. Nguồn vốn để bố trí trong kế hoạch trung hạn cũng đã được cân đối, hiện đang chờ TP.HCM phê duyệt quyết định điều chỉnh dự án.

Tin cùng chuyên mục