Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị phạt tiền; lương tối thiểu vùng tăng 240.000 đồng... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1.
Cảnh sát giao thông Hà Nội trong một lần xử phạt người đi xe đạp điện vi phạm giao thông
Cảnh sát giao thông Hà Nội trong một lần xử phạt người đi xe đạp điện vi phạm giao thông

Lương tối thiểu vùng tăng cao nhất 240.000 đồng

Có hiệu lực từ 1/1, Nghị định 90 quy định lương tối thiểu mỗi tháng ở vùng 1 tăng từ 4,18 lên 4,42 triệu đồng (tăng 240.000 đồng); vùng 2 từ 3,71 lên 3,92 triệu đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 từ 3,25 lên 3,43 triệu đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 từ 2,92 lên 3,07 triệu đồng (tăng 150.000 đồng).

Cấm ép buộc người khác uống rượu, bia

Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1, quy định một loạt hành vi như: Cấm người lái xe uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi...

Luật cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ.

Đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị phạt 600.000 đồng

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) có hiệu lực từ 1/1.

Theo văn bản này, người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt 80.000 đến 100.000 đồng khi có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.

Phạt từ 200.000 đến 300.000 đồng nếu người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

Xe máy mới được dán nhãn năng lượng từ năm 2020

Có hiệu lực từ 1/1, thông tư 59 của Bộ Giao thông Vận tải quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe môtô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Theo đó, Bộ này yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu in nhãn năng lượng theo mẫu và dán trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn này được duy trì trên xe tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, thông tư này cũng quy định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu; duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe đó ra thị trường.

Lấn, chiếm đất bị phạt đến một tỷ đồng

Nghị định 91/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1.

Theo nghị định này, mức phạt cho hành vi lấn chiếm đất lên tới 500 triệu đồng với cá nhân và một tỷ đồng với tổ chức, thay vì chỉ 5 đến 10 triệu đồng như hiện hành.

Hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn sẽ bị xử phạt 5 đến 150 triệu đồng, tùy mức độ lấn chiếm.

Tin cùng chuyên mục