Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực: Yếu tố quan trọng quyết định thành công là thể chế

(BĐT) - Ngày 18/10/2019, UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019 (HEF 2019) với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”. Nhiều ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, TP.HCM đang hội tụ rất nhiều yếu tố và đúng thời điểm để thực sự trở thành trung tâm tài chính của khu vực.
TP.HCM có nhiều lợi thế phát triển trung tâm tài chính và đang trở thành động lực lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành và các quốc gia trong khu vực. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM có nhiều lợi thế phát triển trung tâm tài chính và đang trở thành động lực lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành và các quốc gia trong khu vực. Ảnh: Lê Tiên

Khát vọng kéo dài hai thập kỷ

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, Thành phố đã có khát vọng “biến mình” trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Bởi ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố, và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã được thành lập.

Tuy nhiên, chính ông Nguyễn Thành Phong cũng thừa nhận, khát vọng này chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, hai thập kỷ đã qua, việc thực hiện khát vọng còn nhiều điều dở dang. Việc trở thành trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do Thành phố có điểm xuất phát thấp. Trong số 400.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% là DN nhỏ và vừa. Đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số Thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.

“Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020. Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực. Tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của Thành phố còn thấp, mới đạt 52%; trong khi tại Singapore là 243%, tại Kuala Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%…”, người đứng đầu UBND TP.HCM dẫn chứng.

Có 5 yếu tố cốt lõi của trung tâm tài chính đã đề ra trong Đề cương phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế là: môi trường kinh doanh, nguồn vốn con người, kết cấu hạ tầng, mức độ phát triển của ngành tài chính và danh tiếng của địa phương. “TP.HCM mong muốn Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành đề án trọng điểm quốc gia. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Thành phố chuyển mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách thành phố còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề xuất. 

Cần một cơ chế đặc thù

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những quyết tâm của TP.HCM khi xây dựng Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. “Mong muốn Việt Nam có một trung tâm tài chính của cả quốc gia và xứng tầm trong khu vực đặt ở TP.HCM đang gần hơn bao giờ hết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho rằng, TP.HCM có nhiều lợi thế và đang trở thành động lực lan toả đến nhiều tỉnh, thành và các quốc gia trong khu vực. Theo đó, TP.HCM đứng trước cơ hội "có một không hai” để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực. Đây cũng là xu hướng tất yếu, biểu hiện của một quốc gia năng động nhằm thu hút các DN, các tổ chức tài chính đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Nhiều lợi thế khác của TP.HCM như có vị trí chiến lược khi nằm giữa hai khu vực kinh tế sôi động là Đông Nam Á và Đông Bắc Á; múi giờ không trùng với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới; sân bay Long Thành dự kiến triển khai xây dựng và sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng; thị trường chứng khoán sôi động với nhiều sản phẩm mới... sẽ giúp Đề án tăng nhiều tính khả thi.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, yếu tố quyết định thành công của Đề án là vấn đề thể chế. TP.HCM cần được hưởng những cơ chế đặc thù, vượt trội hoàn toàn so với các địa phương khác và có thể cạnh tranh được các trung tâm tài chính trong khu vực.

Đồng tình với những ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, TS. Trần Du Lịch cho biết, ý tưởng xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn dang dở, thậm chí vai trò của Thành phố bị giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước. “Với việc “cởi trói” cho TP.HCM bằng cơ chế đặc thù cho thấy nỗ lực của Chính phủ khi tạo cho TP.HCM cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, các cơ chế này cần được chủ động, toàn quyền, hiệu quả và nhanh chóng”, ông Lịch đề nghị.

Trong khi đó, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thuộc Trường Đại học Fulbright Việt Nam, thẳng thắn khuyến nghị, cần tăng quyền chủ động cho TP.HCM trong tỷ lệ ngân sách được giữ lại nhằm tái đầu tư, đặc biệt là phục vụ các mục tiêu trong Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục