Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Phát huy tối đa lợi thế so sánh

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự kiến sẽ trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào quý IV/2020. Bộ KH&ĐT vừa tổ chức Hội thảo tham vấn các bộ, ngành, chuyên gia để có những ý tưởng khởi thảo xây dựng dự thảo nhiệm vụ lập quy hoạch (QH) này.
Một trong những thách thức lớn của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Hà Phương
Một trong những thách thức lớn của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Hà Phương

Chủ động sống chung với biến đổi khí hậu

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, với các thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và các loại trái cây. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của Vùng là phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở thượng nguồn châu thổ và mặt trái từ hoạt động phát triển KT-XH, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững.

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ đặt ra yêu cầu xây dựng QH tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, phù hợp với điều kiện của vùng này. QH mới cần được chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển KT-XH.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, QH Vùng ĐBSCL là QH vùng đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có phạm vi ảnh hưởng không chỉ đối với các tỉnh, thành phố của Vùng mà còn có ý nghĩa lan tỏa đối với việc lập QH vùng, QH tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 trên phạm vi cả nước. “Việc triển khai thực hiện QH Vùng ĐBSCL cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và cộng đồng trong quá trình lập và tổ chức thực hiện QH”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh khẳng định. 

Lưu ý nhiều khía cạnh đặc thù

Khởi động cho việc lập QH Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn Royal HaskoningDHV-GIZ đã đưa ra một số cách tiếp cận QH vùng, phương pháp luận cũng như một số mô hình QH tích hợp vùng được triển khai tại Bangladesh và Hà Lan.

Dựa trên những ý tưởng khởi thảo này, ông Nguyễn Vũ Trung đến từ Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ sự băn khoăn về mô hình quy hoạch tích hợp vùng nghiên cứu theo mô hình Hà Lan. Theo ông Trung, ở Hà Lan, các quy hoạch được các ngành, lĩnh vực và hiệp hội thực hiện nên mang tính kỹ thuật, phi chính trị. Trong khi đó, QH Vùng ĐBSCL là QH mang tính tổng hợp, định hướng phát triển cho Vùng, do các cơ quan của Chính phủ xây dựng và triển khai trên cơ sở hài hòa với QH tổng thể quốc gia. Về mặt thể chế chính sách, ông Trung nhấn mạnh, các vấn đề về chính trị tại Vùng ĐBSCL không thể tách rời với QH.

Mặt khác, thế mạnh của ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp và thủy sản, nhưng “điệp khúc” được mùa mất giá vẫn còn tiếp diễn. Ông Nguyễn Vũ Trung cho rằng, phải chú trọng yếu tố phát triển kinh tế của Vùng đồng bộ với định hướng sản phẩm được sản xuất ra trong thời kỳ QH để đảm bảo tính hiệu quả nhất cho kinh tế.

TS. Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, cần phải thay đổi cách tiếp cận truyền thống. “Hiện nay và trong tương lai gần, ĐBSCL đang có những định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và công nghiệp rất mạnh mẽ. Do đó, QH Vùng ĐBSCL phải có những chiến lược và tầm nhìn xa hơn nữa để đón đầu chuyển đổi này. Đơn cử, trong tương lai, QH Vùng ĐBSCL có thể coi nước mặn cũng là một tài nguyên để có những chiến lược phát triển phù hợp” - ông Trí bày tỏ quan điểm.

Liên quan tới cách thức phối hợp, mối quan hệ giữa các QH vùng với các QH thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, hiện QH tổng thể quốc gia, QH sử dụng đất quốc gia, QH không gian biển quốc gia, QH ngành quốc gia theo Quyết định 1226/QĐ-TTg và Quyết định 950/QĐ-TTg đều đang được giao cho các bộ, ngành triển khai đồng thời. Do đó, khi các QH cấp trên và cấp dưới cùng được triển khai sẽ cập nhật, bổ sung lẫn nhau, thuận lợi trong việc đảm bảo sự đồng bộ cao nhất.

Ông Vũ Quang Các nhấn mạnh, có những vấn đề được quy định trong những bản QH ở giai đoạn phát triển trước, theo quy định của Luật Quy hoạch thì vẫn có sự kế thừa, đồng thời có những bổ sung, sửa đổi, chứ không phải là xóa bỏ hoàn toàn những định hướng trong QH của thời kỳ trước. Trong trường hợp QH Vùng ĐBSCL được phê duyệt trước khi QH tổng thể phát triển quốc gia và các QH cấp quốc gia ra đời, thì theo Điều 6 của Luật Quy hoạch, QH Vùng ĐBSCL khi đó sẽ phải điều chỉnh những nội dung, định hướng không phù hợp với QH cấp quốc gia được ban hành sau đó.

Do QH Vùng ĐBSCL đang ở giai đoạn khởi động với những ý tưởng sơ thảo ban đầu, nên một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, chưa đáp ứng ngay các vấn đề. Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan liên quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ lập QH.

Tin cùng chuyên mục