Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam: Công khai thông tin, hỗ trợ phát triển DN

(BĐT) - Đáp ứng không chỉ yêu cầu công khai thông tin phục vụ mục tiêu hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp (DN), mà còn hỗ trợ thực chất cho DN tháo gỡ khó khăn, sản xuất kinh doanh hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn thường niên và lần đầu công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì lễ công bố Sách trắng DN Việt Nam 2019. Ảnh: Lê Tiên
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì lễ công bố Sách trắng DN Việt Nam 2019. Ảnh: Lê Tiên

Công khai thông tin doanh nghiệp

Trong lần công bố đầu tiên, bên cạnh các thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương giai đoạn 2016 - 2018, Sách trắng DN Việt Nam năm 2019 đã đưa ra bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển DN năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2018 của toàn quốc và từng địa phương.

Theo đó, một số chỉ tiêu phát triển DN năm 2018 được Sách trắng DN Việt Nam công bố như: tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Năm 2018, bình quân 1.000 dân trong độ tuổi lao động có 14,7 DN đang hoạt động. Tổng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) do ngành thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 là 560.417 DN, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016.

Ngoài ra, Sách trắng cũng công bố một số chỉ tiêu mới như: tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD của toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2017 đạt 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng thời điểm năm 2016; tổng doanh thu thuần của toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2017 đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, cao hơn so với tốc độ tăng nguồn vốn. Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.

Hiệu suất sử dụng lao động bình quân khu vực DN năm 2017 đạt 14,7 lần. Thu nhập bình quân của lao động tại các DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2017 đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1% so với năm 2016. Chỉ số nợ chung của toàn bộ DN năm 2017 là 2,5 lần, nói cách khác, tổng số nợ của DN năm 2017 gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu của DN. Chỉ số quay vòng vốn năm 2017 của toàn bộ khu vực DN đạt 0,7 lần.

Khu vực DN công nghiệp và xây dựng thu hút nhiều lao động, tạo ra nhiều lợi nhuận nhất. Trong khi khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất về số DN, nguồn vốn và doanh thu, đồng thời là khu vực phát triển nhanh hơn các khu vực khác đối với các chỉ tiêu này.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh lực lượng DN phát triển mạnh mẽ, cùng với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về công khai hóa thông tin DN là vô cùng quan trọng, là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Phản ánh mức độ đóng góp cho nền kinh tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, với việc công bố bức tranh đầy đủ, toàn diện về sự phát triển của DN, xếp hạng mức độ phát triển DN, các địa phương sẽ biết được mức độ đóng góp của các DN tại địa phương vào nền kinh tế như thế nào. Từ đó, địa phương phải có giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ thực chất để DN tháo gỡ khó khăn, phát triển trên địa bàn hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích, nhìn vào bảng xếp hạng mức độ phát triển DN tại các địa phương, TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai là những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng DN đang hoạt động thời điểm 31/12/2018. Tuy nhiên, nếu đánh giá về tốc độ tăng số DN đang hoạt động năm 2018 so với năm 2017, TP.HCM và Hà Nội không còn dẫn đầu nữa. “Nếu địa phương nào cứ “bình chân như vại” vì nghĩ rằng số lượng DN của mình đã nhiều mà không quan tâm tới việc duy trì tốc độ tăng số lượng DN thì sẽ dần tụt hậu và nhiều địa phương khác sẽ vượt lên” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Như vậy, nguồn thông tin từ Sách trắng DN Việt Nam sẽ đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển DN. Từ đó, các địa phương sẽ phải xây dựng các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển DN hiệu quả và bền vững - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Việc đánh giá mức độ phát triển của các DN tại các địa phương sẽ phản ánh cụ thể hiệu quả hoạt động của DN và mức độ đóng góp của khu vực DN và từng địa phương đối với nền kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện chỉ có 16/63 địa phương tự cân đối được ngân sách địa phương và có điều tiết được về cho ngân sách trung ương. Muốn nền kinh tế cả nước phát triển bền vững, cần phải tăng số địa phương tự cân đối được ngân sách lên, và giải pháp duy nhất để tăng năng lực của các địa phương là tăng và phát triển bền vững đội ngũ DN.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, các bộ, ngành thông qua các số liệu của Sách trắng DN sẽ phải đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, yếu trong phát triển DN thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển DN hiệu quả và bền vững.

Đối với các địa phương, nếu có thứ hạng thấp trong phát triển DN hàng năm thì cần nghiêm túc kiểm điểm, tìm ra các nguyên nhân, giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ thực chất các DN tháo gỡ khó khăn, phát triển DN trên địa bàn hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục