Sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Dự báo tác động nhiều mặt

(BĐT) - Mặc dù Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư lần này chỉ tiến hành sửa đổi, bổ sung về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng theo đánh giá, sau khi ban hành sẽ có tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội, liên quan đến những ngành, nghề sẽ được bãi bỏ cũng như ngành, nghề được sửa đổi, bổ sung...
Chính phủ sẽ hướng dẫn thực hiện Danh mục này theo hướng không bắt buộc DN phải đổi lại giấy phép kinh doanh
Chính phủ sẽ hướng dẫn thực hiện Danh mục này theo hướng không bắt buộc DN phải đổi lại giấy phép kinh doanh

Thay đổi quy định các ngành, nghề được bãi bỏ

Qua quá trình rà soát ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp (DN), Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện chỉ còn 226 ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện hiện hành). Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) – cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư cho biết, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện lần này đã bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư hoặc thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước.

Vì thế, sau khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư được ban hành, 27 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nói trên sẽ được bãi bỏ. Kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ làm thay đổi quy định tương ứng đối với các ngành, nghề này tại các luật có liên quan và các nghị định quy định chi tiết về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó.

Theo Bộ KH&ĐT, căn cứ nguyên tắc quy định tại Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư thì những ngành, nghề được đề xuất bãi bỏ cũng như điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó đang quy định tại các luật, nghị định có liên quan sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017). Vì thế, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Không làm xáo trộn hoạt động đầu tư, kinh doanh

Bộ KH&ĐT cho biết, bên cạnh việc bãi bỏ 27 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện lần này đã bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư; hệ thống hóa một số ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này (29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề); đồng thời cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại các luật có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước. 

Trước những lo ngại liên quan đến hoạt động đăng ký DN và việc tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh của DN khi Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư được ban hành, Bộ KH&ĐT cho biết, việc sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện lần này không có tác động đáng kể đến thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Bởi vì, theo nguyên tắc DN được kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm thì Giấy chứng nhận đăng ký DN hiện nay không còn ghi ngành, nghề kinh doanh của DN. Đối với những DN đã thành lập trước ngày Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực và chưa thay đổi nội dung đăng ký DN thì Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn ghi toàn bộ ngành, nghề mà DN đã đăng ký, kể cả những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Mặt khác, theo quy định của Luật DN thì DN phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình kinh doanh, chứ không phải là việc ngành, nghề đó đã được cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận hay chưa.

Tuy nhiên, việc sửa đổi tên hoặc hợp nhất một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện lần này có thể dẫn đến việc DN phải thay đổi giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… Do vậy, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của DN, tránh gây xáo trộn hoạt động đầu tư kinh doanh và công tác quản lý nhà nước, Chính phủ sẽ hướng dẫn thực hiện Danh mục này theo hướng không bắt buộc DN phải đổi lại giấy phép kinh doanh, đồng thời quy định thời gian chuyển tiếp hợp lý để DN tuân thủ điều kiện kinh doanh mới. 

Tin cùng chuyên mục