Tăng giá điện gây áp lực trong điều hành vĩ mô

(BĐT) - Bước tăng giá điện khá mạnh trong tháng 3 chắc chắn sẽ gây khó cho mục tiêu kiềm giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và đẩy mạnh đà tăng trưởng của nền kinh tế. 
Giá điện sắp tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Ảnh: Nhã Chi
Giá điện sắp tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Ảnh: Nhã Chi

Do đó, cần cân nhắc thời điểm tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, đồng thời phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô năm nay.

Khó khăn từ nhiều phía

Bộ Công Thương cho biết, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng/kWh. Trong 10 năm qua, giá điện đã tăng 7 lần, lần tăng mạnh nhất là 15,28% năm 2011. Bộ Công Thương ước tính, việc tăng giá điện 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng CPI năm 2019 thêm 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,15 - 0,19%.

Giá điện tăng chắc chắn tác động đến hầu hết các ngành kinh tế, trong đó, lĩnh vực chịu tác động lập tức và lớn nhất là sản xuất công nghiệp. Trong khi kể từ đầu năm, mức tăng trưởng của lĩnh vực này đang có xu hướng chững lại. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học chỉ tăng 5,2% trong 2 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 38,3% của cùng kỳ năm 2018. Cùng giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, một số ngành công nghiệp như dệt, sản xuất trang phục, sản xuất giày dép ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, song khó có thể bù đắp đà chững lại của các nhóm hàng hóa chủ lực nêu trên.

Những yếu tố này cho thấy, mức tăng trưởng GDP quý I năm nay dự báo khó có thể xác lập lại kỳ tích 7,38% của quý I năm 2018.

Xét về chỉ số giá tiêu dùng, mức tác động thực tế sẽ không chỉ dừng ở con số như Bộ Công Thương tính toán, bởi tác động gián tiếp và tác động tâm lý là những yếu tố chưa thể đong đếm.

Theo TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến cả sản xuất và tiêu dùng, cần các giải pháp để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô.

“Chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm có xu hướng đi lên. Trong thời gian tới, bên cạnh mặt hàng điện tăng giá, một số hàng hóa và dịch vụ khác như xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giáo dục cũng có thể tăng. Đây là áp lực với việc kiềm giữ CPI”, ông Đức Anh cảnh báo.

Cân nhắc thời điểm, thận trọng chính sách tiền tệ

Nỗi lo về đà tăng CPI nói trên cùng với áp lực tăng trưởng kinh tế là bài toán khó cho cơ quan điều hành trong việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ.

Theo ông Đặng Đức Anh, bài học về điều hành giá nhiều năm qua cho thấy, khi có những biến động về chi phí đẩy, việc cân nhắc thời điểm tăng giá các mặt hàng khác là cần thiết để góp phần giảm đà tăng cùng lúc và giảm tác động tâm lý.

“Nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác cũng có kế hoạch và có khả năng tăng giá trong năm nay, do đó, cơ quan điều hành cần tính toán thời điểm. Chẳng hạn, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao gây áp lực cho mặt bằng giá mặt hàng này trong nước thì cơ quan điều hành đã từng tạm hoãn tăng giá xăng dầu bằng cách trích quỹ bình ổn giá. Hoặc việc tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục có thể tránh thời điểm tăng giá các mặt hàng xăng dầu, điện. Cách làm này sẽ giảm thiểu tác động của cú sốc liên tục, giảm sức ép tâm lý”, ông Đức Anh phân tích.

Từ phía chính sách tiền tệ, sức ép tăng trưởng kinh tế trong nhiều trường hợp đòi hỏi phải nới cung tiền. Tuy nhiên, trong giai đoạn chi phí đẩy từ giá cả hàng hóa tăng, việc mở rộng cung tiền là đáng ngại. 14% là mức tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2019 được Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Con số này tương ứng với mức tăng của năm 2018.

Phân tích về vấn đề này, ông Đức Anh nói: “Cần hết sức thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, đặc biệt chú trọng kiểm soát tín dụng đổ vào lĩnh vực tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán. Chính sách tiền tệ trong giai đoạn này là rất quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô của năm nay”.

Tin cùng chuyên mục