Tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới

(BĐT) - Năm 2020 là năm kết thúc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đồng thời tạo đà cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. 
Ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam là duy trì và đảm bảo sự tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên
Ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam là duy trì và đảm bảo sự tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm giải phóng tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới.

Tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới ảnh 1
Tin tưởng cải cách mạnh mẽ hơn

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Tôi tin rằng năm 2020, việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục mạnh mẽ hơn với một số lý do chính.

Trước hết, hiện nhiều bộ, ngành đang có động thái chủ động, tích cực hơn. Điển hình như Bộ Công Thương mới trình Chính phủ Nghị định bãi bỏ điều kiện kinh doanh lần thứ hai. Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của cải cách này cũng như trách nhiệm liên quan, do đó đã chủ động và tích cực hơn trong thực hiện các giải pháp nhằm nâng điểm số và thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Thứ hai, quan sát cho thấy, Chính phủ đang quyết liệt hơn trong việc tạo áp lực cho yêu cầu cải cách. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN phát triển. Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản độc quyền Nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân, bao gồm các dịch vụ công cộng…

Ba là áp lực từ cộng đồng DN về một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đang hối thúc cải cách mạnh mẽ hơn.

Tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới ảnh 2
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may với nhiều biến động trên thị trường không dự báo trước và kéo dài hơn dự kiến. Bên cạnh các yêu cầu về giá, chất lượng, tiến độ như thông thường, nhiều yêu cầu mới được các nhà mua hàng lớn đặt ra như là rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu. Cụ thể là các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được như: nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế...

Từ các đặc điểm mới của thị trường dệt may thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu, và các đặc điểm riêng của Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đang đặt mục tiêu và thực hiện nhiều giải pháp xanh hóa để phát triển bền vững.

Để làm được điều này, chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy hoạch các khu công nghiệp dệt may quy mô 300 - 500 ha/khu trên cả nước, có đủ hạ tầng về xử lý môi trường để các DN vào đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng; có chính sách không thu thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu.

Tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới ảnh 3
Mong Chính phủ, các cấp chính quyền luôn đồng hành với doanh nghiệp

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn CIENCO4

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh ưu tiên của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn để DN phát triển. Thủ tướng cũng yêu cầu “phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền hù dọa DN và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của DN”. Hy vọng tinh thần và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thẩm thấu và quán triệt đến tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để cùng đồng hành, hỗ trợ DN phát triển, nhất là những DN làm ăn chân chính.

Trên thực tế, vẫn tồn tại những rào cản lớn gây khó dễ cho nhà thầu trong tiếp cận các cơ hội việc làm, nhiều chủ đầu tư vẫn mập mờ trong công bố thông tin; cài cắm trong hồ sơ mời thầu nhiều văn bằng, chứng chỉ; truy tìm các lỗi nhỏ để loại nhà thầu; thẩm định kết quả đấu thầu không minh bạch, loại nhà thầu mà không cho làm rõ… Nếu quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ được các cấp quản lý bên dưới quán triệt, ưu tiên trong hành động, chỉ đạo thì môi trường đầu tư, kinh doanh mới thực sự thông thoáng và thuận lợi, DN mới yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới ảnh 4
Cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Ông Ngô Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý quỹ FPT (FPT Capital)

Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2020, tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Đây là thời điểm khá tốt để các nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu, doanh nghiệp đầu tư. Dù trong ngắn hạn có thể không tăng được như kỳ vọng, nhưng về dài hạn là tương đối tốt.

Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm, mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Vì họ cho rằng, Việt Nam có độ mở mạnh mẽ hơn so với các thị trường khác trong khu vực.

Sang năm 2020, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm vừa rồi, tiến trình này bị chậm tiến độ. Ngày càng phải mở room, mở thêm nhiều lĩnh vực hơn nữa cho phép nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng để hút được vốn của nhà đầu tư thì thông tin phải công khai, minh bạch.

Tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới ảnh 5
Ưu tiên hàng đầu là duy trì và đảm bảo sự tăng trưởng

Ông Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng 

Nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng được xem là cao nhất trong khu vực và trong tương lai hy vọng còn tiếp tục giữ được vị trí này. Tuy nhiên, đã có sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng. Nếu như 20 năm trước, tăng trưởng GDP có giai đoạn đạt 9,6 - 9,7%, thì cách đây 10 năm đạt 8,5 - 8,6%, và hiện tại, mức tăng như năm 2019 vừa qua là 7,02%. Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không duy trì được mức tăng GDP cao trong dài hạn.

Rõ ràng, ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam là phải duy trì và đảm bảo sự tăng trưởng. Bởi chúng ta không thể nào bắt kịp được với các quốc gia khác nếu như không phát triển nhanh.

Hiện động lực cho phát triển cũng không phải ít. Thứ nhất, đến năm 2025, 50% người Việt có thể bước chân vào tầng lớp trung lưu. Số liệu này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới nói lên rằng, các đối tượng có mức chi tiêu khoảng 50 USD/ngày sẽ trở thành một nhân tố kích thích DN nội địa và FDI sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, Việt Nam có khả năng duy trì một tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện/GDP rất cao, khoảng 30% trong 3 thập kỷ. Thế nhưng, thách thức lớn nhất cho đầu tư cũng như phát triển bền vững là năng suất, và Việt Nam chưa làm tốt điều này. Do đó, Chính phủ cần xem xét một cách nghiêm túc về câu chuyện năng suất lao động. Mỗi khi có chính sách mới, vấn đề này có thể được cải thiện rõ nét.

Động lực thứ ba là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỷ lệ vốn FDI trên GDP cao gần gấp đôi so với nhiều quốc gia khác trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, giá trị gia tăng mà nguồn vốn này mang lại đang giảm xuống. Cho nên, cần phải tập trung vào chất lượng thay vì số lượng.

Để tăng trưởng tốt trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần có những siêu đô thị. Các quốc gia đi trước cho thấy một kinh nghiệm xương máu, nếu không có các thành phố lớn, đủ quy mô, thì sẽ không có một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Tiếp đó là đổi mới khoa học, công nghệ. Chính phủ đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để tăng cường yếu tố này, từ đó giải quyết bài toán về năng suất lao động. Một điều quan trọng nữa là Chính phủ cần tạo điều kiện, môi trường thuận lợi giúp các DN nội địa thành công. Hiện Việt Nam đã có những cuộc trao đổi cởi mở, những chính sách mới để nuôi dưỡng các DN khởi nghiệp.

Tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới ảnh 6
Kỳ vọng ngành vật liệu xây dựng sẽ bứt phá, tăng trưởng cao

Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM)

Năm 2019, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đã phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 98 triệu tấn, đạt kế hoạch và tăng 3 triệu tấn so với năm 2018. Gạch xây tiêu thụ khoảng 26 tỷ viên, đạt kế hoạch và tương đương năm 2018, trong đó gạch nung khoảng 20 tỷ viên, gạch không nung 6 tỷ viên...

Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do cung vượt cầu, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng.

Mặc dù vậy, với đà tăng trưởng kinh tế của đất nước hiện nay, hy vọng trong năm tới, ngành vật liệu xây dựng sẽ có sự bứt phá, khắc phục được các khó khăn để đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2019.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy DN phát triển, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh đáp ứng kỳ vọng của DN; sửa đổi các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Bảo vệ môi trường… để tránh sự mâu thuẫn, chồng lấn khi thực hiện các thủ tục hành chính. Các luật, nghị định cần phải minh bạch, cụ thể, dễ hiểu và dễ thực hiện, giảm bớt các văn bản ở cấp thông tư.

Tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới ảnh 7
Niềm tin và sự đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp sẽ quyết định tăng trưởng của nền kinh tế

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Những nỗ lực về cải cách thể chế và môi trường kinh doanh trong năm qua của Đảng và Chính phủ là rất lớn. Ngoài ra, một nguồn động lực không thể không kể đến cho chu kỳ tăng trưởng mới đó là, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện khá tốt trong thời gian qua. Điều này cũng có nghĩa là, trong tương lai, nếu những cú sốc có thể diễn ra, thì sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam sẽ rất tốt, bởi chính những điều nói trên đã gia tăng thêm sức mạnh rất nhiều.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao. Do đó, xu thế tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới trong thập niên tới cần phải được lưu ý kỹ. Thực tế cho thấy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nợ công cao, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, mâu thuẫn địa chính trị... sẽ còn mang đến những thách thức khó lường. Tuy nhiên, niềm tin và sự đầu tư của cộng đồng DN sẽ quyết định tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo tôi, trong giai đoạn tới, mà cụ thể là từ 2020 - 2030, cơ hội đầu tư sẽ tập trung ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản; lĩnh vực phục vụ tiêu dùng như phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế; các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị như dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ. Song song đó, tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh. Đáng lưu ý, lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản như nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp... được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.

Tin cùng chuyên mục