Thách thức kinh tế nửa cuối năm

(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, song các tháng cuối năm đang có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ. 
Đóng góp vào tăng trưởng của khu vực đầu tư nước ngoài từ quý II/2018 bắt đầu giảm sút. Ảnh: Lê Tiên
Đóng góp vào tăng trưởng của khu vực đầu tư nước ngoài từ quý II/2018 bắt đầu giảm sút. Ảnh: Lê Tiên

Lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài yếu dần, trong khi chưa có động lực mới bổ sung. Đây không chỉ là vấn đề của những tháng cuối năm nay mà của cả những năm tiếp theo.

Theo ông Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), tăng trưởng 2 quý đầu năm, nhất là quý I ở mức ngoạn mục, có đóng góp quan trọng của Samsung và Formosa. Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ khu vực sản xuất và có tác động từ một số sản phẩm, đặc biệt là sản lượng điện thoại di động.

Tuy nhiên, các tháng còn lại của năm 2018 đang xuất hiện nhiều thách thức. NCIF phân tích, từ bên ngoài là thách thức từ giá đồng USD tăng do kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và nước này có thể tăng lãi suất vài lần nữa. Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung quốc, biến động của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng trên thị trường quốc tế, trong đó giá dầu thô là yếu tố nhiều ẩn số, có thể tác động đến mặt bằng giá dầu trong nước và ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.

Thách thức từ trong nước cũng khá lớn, sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô lớn hơn năm ngoái do yếu tố thuận lợi bên ngoài không còn như trước. Đặc biệt, theo ông Đặng Đức Anh, lực đẩy, động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm đang mất dần, đặc biệt là đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài từ quý II/2018 bắt đầu giảm sút. Động lực tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm chưa rõ ràng. Khu vực chế biến chế tạo được cho là động lực, nhưng nếu không tính khu vực FDI thì còn nhỏ bé, chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.

Ông Đặng Đức Anh cũng cho rằng, tác động của cải cách môi trường kinh doanh, thể chế vào thực tế chưa rõ nét, dù Chính phủ đã có nỗ lực, quyết tâm rất cao. Sự đóng góp của đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng suất lao động… còn thấp.

NCIF dự báo tăng trưởng quý III là 6,72%, quý IV là 6,56%. Cả năm ở kịch bản cơ sở đã dự báo từ đầu năm sẽ đạt 6,83%. Lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát song đang chịu áp lực lớn, đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu.

Theo NCIF, chính sách bảo hộ thương mại chưa có tác động rõ nét nhưng cần tiếp tục cập nhật để đánh giá tác động và không ngoại trừ khả năng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Thách thức kinh tế nửa cuối năm ảnh 1
Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách:

Lãi suất khó giảm trong khi đó sức ép cạnh tranh từ bên ngoài lớn hơn, nhất là hàng hóa Trung Quốc, khiến doanh nghiệp trong nước khó khăn hơn. Ngân hàng trung ương nhiều nước trong khu vực đều nới lỏng tiền tệ, gây sức ép với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Rủi ro từ bên ngoài, chính sách thuế thay đổi, cam kết giảm thuế khi tham gia hàng loạt FTA có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, từ đó ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ, tỷ giá. Nếu thâm hụt ngân sách tăng, nguồn thu giảm, nguồn ngân sách dành cho đầu tư sẽ giảm xuống.

Lạm phát tăng trở lại, lạm phát cơ bản thì không tăng, phần lớn tăng do giá dịch vụ và giá bên ngoài. Kiểm soát lạm phát sẽ phụ thuộc nhiều vào kiểm soát giá cả hàng hóa và tác động của giá thế giới.

Tác động tiêu cực từ bên ngoài, ngoài nhân tố chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, có tác động lớn từ cách mạng khoa học công nghệ đến doanh nghiệp FDI, ưu thế lao động rẻ không còn vì đẩy mạnh tự động hóa, doanh nghiệp FDI có thể chuyển dịch từ nước thâm dụng lao động sang nước có công nghệ cao.

Tin cùng chuyên mục