Thay đổi tư duy về tổ chức chính quyền đặc khu

(BĐT) - Tại Kỳ họp thứ 4 này, lần đầu tiên Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận. Hiện vấn đề về tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. 
Đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo môi trường cạnh tranh hấp dẫn cho các đặc khu. Ảnh: Lâm Thanh Sơn
Đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo môi trường cạnh tranh hấp dẫn cho các đặc khu. Ảnh: Lâm Thanh Sơn

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi tư duy, coi đây là “phòng thí nghiệm về thể chế” để nếu triển khai thành công sẽ tác động mạnh mẽ tới những đổi mới trong tổ chức hành chính đang diễn ra chậm và chưa hiệu quả hiện nay.

Về sự đổi mới trong tư duy chính sách, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu lại câu chuyện vào thời điểm 30 năm trước, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khi đó, Hiến pháp năm 1980 còn hiệu lực với định hướng tập trung phát triển 2 thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Mặc dù vậy, trong khung thể chế của Hiến pháp năm 1980, Quốc hội vẫn ban hành một đạo luật mà sau đó được quốc tế bình luận là đạo luật hấp dẫn nhất trong khu vực. “Nếu chúng ta cứ máy móc bám theo một nguyên tắc cứng nhắc thì không thể ban hành được một đạo luật có tính đổi mới, đột phá đến như vậy” – ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phúc, hiện tại, những động lực phát triển của đất nước đã tới hạn, vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ là phải tạo ra cơ chế, chính sách, mô hình mới đột phá mạnh mẽ. Thế giới vẫn đang thành lập các đặc khu kinh tế mới (4.500 đặc khu kinh tế đã được thành lập), nên không có thời điểm nào là muộn để Việt Nam thành lập các đặc khu. Hiến pháp năm 2013 có chương về chính quyền địa phương đã thể hiện một tư duy thay đổi với định hướng đa dạng hóa các đơn vị hành chính; đa dạng hóa về tổ chức chính quyền; đa dạng hóa về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Điều đó có nghĩa là khi có chính quyền địa phương thì không cứ phải nhất nhất giống nhau ở các tỉnh, thành, khu vực.

Tổ chức chính quyền địa phương trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được đánh giá là phù hợp với Hiến pháp. Theo ông Phúc, nếu máy móc bám theo những nguyên tắc thành lập tổ chức chính quyền địa phương cứ phải có UBND và HĐND thì không thực sự chính xác, mà cần có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện cụ thể của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Điều quan trọng, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, không nên hiểu vai trò của Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như một cá nhân, mà phải hiểu là một thiết chế, chế định pháp luật. Bởi bên cạnh Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt còn có một bộ máy giúp việc cùng các cơ quan chuyên môn.

Giải đáp những băn khoăn về nguy cơ Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có thể lạm quyền để trục lợi, ông Phúc cho rằng, sự lạm quyền nguy hiểm nhất là dưới vỏ bọc của tập thể, khi không quy được rõ việc chịu trách nhiệm của cá nhân. Nhưng với vị trí của Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm cụ thể với nhiều quyết định của mình.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đã có những quy định giúp kiểm soát được quyền lực của Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đơn cử, Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được quy định trực thuộc tỉnh thì có HĐND tỉnh và UBND tỉnh, trên nữa có Thủ tướng Chính phủ (với quyền được bổ nhiệm Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) có thể giám sát được.

“Nếu cứ mãi cảm thấy không an tâm thì không bao giờ làm được, vấn đề quan trọng là việc thực thi cơ chế giám sát có hiệu quả không. Quy mô của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng không quá lớn, chúng ta cứ cho thử nghiệm, khi cần thiết thì có thể sửa luật cho phù hợp thực tế” – ông Phúc nhấn mạnh quan điểm.

Tin cùng chuyên mục