Thời cơ để đẩy mạnh cải cách, phát triển

(BĐT) - Đối với Việt Nam, cải cách về lâu dài là yếu tố sống còn để phát triển bền vững, để vượt qua những nguy cơ nhãn tiền như tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình. Năm 2018 là thời cơ tốt để phát triển mạnh mẽ hơn và cũng là cơ hội thuận lợi cho những nỗ lực, đột phá trong cải cách, đổi mới.
Đà phát triển kinh tế năm 2017 có thể tạo ra một nhịp tăng trưởng mới, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai. Ảnh: Gia Khoa
Đà phát triển kinh tế năm 2017 có thể tạo ra một nhịp tăng trưởng mới, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai. Ảnh: Gia Khoa

Nhiều cơ hội tốt cho phát triển, cải cách

Những kết quả tích cực trong năm 2017 đã củng cố nội lực nền kinh tế, tạo ra nền tảng vững chắc, tạo đà để phát triển bứt phá hơn trong 2018 và những năm tới. Đã rất lâu nền kinh tế Việt Nam mới đạt được những kết quả như năm 2017, nhiều kết quả lần đầu đạt được, và hơn nữa, là có được không phải do bán tài nguyên, do tăng tín dụng hay những biện pháp kích thích ngắn hạn có thể phải trả giá trong tương lai. Đà phát triển từ năm 2017 có thể tạo ra một nhịp tăng trưởng mới, một giai đoạn phát triển bền vững và đây là một trong những yếu tố, cơ hội quý báu cho năm 2018.

Và cũng đã rất lâu niềm tin trong nhân dân, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố mạnh mẽ như năm vừa qua. Nhìn lại năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, điều quan trọng nhất là có được lòng tin của người dân. Người dân, doanh nghiệp đã tin tưởng, bỏ tiền để đầu tư, làm ăn phát triển đất nước, chứ không cất trữ nữa. Theo Bộ trưởng, nguồn tài lực, trí lực trong dân, trong khu vực tư nhân là rất lớn, nếu giữ được niềm tin, tạo ra môi trường tốt để người dân yên tâm đầu tư, làm ăn, chắc chắn đó sẽ là dư địa lớn và bền vững cho phát triển và cải cách trong tương lai.

Một cơ hội khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá là “nghìn năm có một” với Việt Nam đó là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ chóng mặt trên thế giới. Bộ trưởng nhìn nhận, nếu lần này không nắm được cơ hội, vận mệnh thì tụt hậu ngày càng xa, khả năng rút ngắn khoảng cách với các nước khác ngày càng khó hơn.

Cơ hội thường chỉ “gõ cửa một lần”, tất cả những thời cơ trên đã và đang “gõ cửa” năm 2018. Phải coi năm 2018 là thời cơ tốt cho phát triển. “Nếu được chọn khẩu hiệu cho năm 2018, tôi muốn dùng mấy chữ "nắm lấy thời cơ", "tranh thủ thời cơ". Tôi đã ý thức được năm 2018 là năm chúng ta cần phải tập trung, cần phải tăng tốc, cần phải đạt được những kết quả cao hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông chủ Tập đoàn Alibaba từng đúc kết rằng: “Hãy cải cách khi bạn đang ở tình trạng tốt đẹp nhất và trước khi bắt đầu suy thoái. Tới khi trời mưa mới sửa mái nhà là quá muộn”. Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đang có những điều kiện, thời cơ tốt để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, từ đó cũng là thời điểm, thời cơ cho cải cách trước khi quá muộn. 

Dũng cảm cải cách, sáng suốt để nắm thời cơ

Năm 2018, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cải cách thể chế, đổi mới sáng tạo được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhắc đến như một mệnh lệnh phát triển.

Với cá nhân, việc khó nhất là vượt qua chính bản thân mình, với một quốc gia, sự cải cách lại càng khó khăn, chắc chắn phải đòi hỏi sự dũng cảm để dám từ bỏ quyền lực, lợi ích, sự sáng suốt để nắm bắt, mở đường cho cái mới, đấu tranh với những tư duy cũ, trở ngại cũ.

Lấy ví dụ về việc Bộ KH&ĐT tự đề xuất sửa đổi quy trình phân bổ vốn, giảm bớt quyền lực của chính Bộ, từ tham gia ý kiến phân bổ vốn cho dự án cụ thể đến chỉ tổng hợp, rà soát lại phương án phân bổ của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, hay như Luật Quy hoạch cắt bỏ quy hoạch sản phẩm chắc chắn đụng chạm đến lợi ích của nhiều người, nhiều đơn vị…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến sự khó khăn đầu tiên của cải cách là dũng cảm vượt qua lợi ích của chính đơn vị mình, vì lợi ích chung của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến cải cách thể chế như là quyết sách quan trọng hàng đầu để tăng khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài, để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong cuộc đua đường trường. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Bộ KH&ĐT phải nhận trọng trách đi tiên phong, cùng với các bộ, ngành thực hiện cải cách thể chế. Vì chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược cho Nhà nước, xây dựng thể chế, các mô hình kinh tế đổi mới với mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững nhất.      

Tin cùng chuyên mục