Thống nhất một số cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

(BĐT) - Tại Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 11/7, các thành viên của Ủy ban đã thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng (Dự thảo Nghị định).
Cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển. Ảnh: Hoài Nam
Cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển. Ảnh: Hoài Nam

Theo Báo cáo Thẩm tra Dự thảo Nghị định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù đối với Đà Nẵng. Nghĩa là, để tạo thuận lợi hơn cho Đà Nẵng trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, cần tăng tính “đột phá” về đầu tư, tài chính, ngân sách, phân cấp quản lý.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, hạn chế ban hành những quy định về cơ chế đặc thù với nhiều tỉnh, thành phố vì sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các địa phương. Ngoài ra, căn cứ vào quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) hiện hành và Luật NSNN năm 2015 thì chỉ cho phép Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách. Do đó, việc quy định về cơ chế đặc thù trong các lĩnh vực khác như quản lý đất đai cần được cân nhắc thận trọng, bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan về thẩm quyền, phân cấp quản lý.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc đề xuất các cơ chế đặc thù phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa phương và phù hợp với thẩm quyền của các cơ quan nhà nước; kế thừa, phát triển và hoàn thiện các quy định của Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với TP. Đà Nẵng; bổ sung một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý trên cơ sở những quy định của pháp luật và đặc thù riêng của TP. Đà Nẵng.

UBTVQH nhất trí với cơ chế tỷ lệ thưởng nguồn thu là 70% đối với 2 khoản vượt dự toán thu. Đối với huy động, thống nhất mức huy động không quá 40% số thu ngân sách TP. Đà Nẵng được hưởng
Tại Phiên thảo luận, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, cho ý kiến để Chính phủ hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền đối với một số cơ chế đặc thù có quy định “vượt” so với quy định của Luật NSNN. Theo đó, Chính phủ đề xuất, trình UBTVQH nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% lên 100%; Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP. Đà Nẵng tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, UBTVQH thống nhất cho ý kiến, Dự thảo Nghị định chỉ áp dụng từ ngày 1/1/2017 theo đúng tinh thần của Luật NSNN năm 2015.

Đối với cơ chế đặc thù, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH lưu ý Chính phủ cần phải cân đối, tính toán vì sẽ có rất nhiều địa phương, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong cơ chế đặc thù nên phải tính đến yếu tố hài hòa. Riêng đối với Đà Nẵng, UBTVQH nhất trí với cơ chế tỷ lệ thưởng nguồn thu là 70% đối với 2 khoản vượt dự toán thu. Đối với huy động, thống nhất mức huy động không quá 40% số thu ngân sách TP. Đà Nẵng được hưởng (như vậy, mức này cao hơn Luật NSNN là 10%, nhưng thấp hơn đối với TP.HCM và Hà Nội).

“Đối với các cơ chế phân cấp khác (như phân cấp theo quản lý), đề nghị Chính phủ làm đúng theo quy định của các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai hiện hành…”, ông Hiển nhấn mạnh.

UBTVQH giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hoàn chỉnh ý kiến của Thường vụ Quốc hội và gửi xin ý kiến từng thành viên của UBTVQH, tập hợp và cho ý kiến tới Chính phủ trước ngày 20/7/2016.

Tin cùng chuyên mục