Từ hạn chế đến cấm xuất khẩu khoáng sản thô: Khi thuế kịch khung, cần công cụ phi thuế

(BĐT) - Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính xem xét các công cụ về thuế để hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô. 
Một số loại khoáng sản đang chịu mức thuế xuất khẩu 30 - 40%, kịch khung theo quy định. Ảnh: Đặng Hiếu
Một số loại khoáng sản đang chịu mức thuế xuất khẩu 30 - 40%, kịch khung theo quy định. Ảnh: Đặng Hiếu

Phản hồi kiến nghị này, Bộ Tài chính đề xuất cần áp dụng bổ sung các biện pháp phi thuế quan để tăng cường hiệu quả quản lý vì mức thuế suất xuất khẩu áp dụng với các loại khoáng sản thô đã kịch khung.

Kiến nghị xem xét điều chỉnh thuế

Tại  Công văn số 4508/BCT-CN ngày 7/6/2018, Bộ Công Thương nêu định hướng nhất quán là khoáng sản thô không được phép xuất khẩu, các sản phẩm khoáng sản chỉ được xuất khẩu khi đã được chế biến đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đến nay, danh mục các khoáng sản và sản phẩm khoáng sản được phép xuất khẩu được quy định tại Thông tư 12/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương và Thông tư 04/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, giá kim loại và khoáng sản trên thế giới và khu vực giảm sâu. Các doanh nghiệp (DN) ngành khai khoáng gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho một số loại khoáng sản với khối lượng lớn (quặng sắt, quặng titan), nhiều mỏ phải tạm thời đóng cửa, sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động. Theo các quy định hiện hành, trường hợp DN dừng khai thác khoáng sản vẫn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở giấy phép đã được cấp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các DN, giảm lãng phí nguồn lực xã hội, đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho hàng trăm ngàn người lao động, một vài loại khoáng sản khác (quặng sắt; titan) không nằm trong danh mục được Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng quy định tại 2 thông tư nêu trên được Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu cá biệt.

Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc của ngành khai khoáng nói chung và xuất khẩu khoáng sản nói riêng, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát và điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật về thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phí môi trường, ban hành khung thuế suất phù hợp với từng loại khoáng sản theo hướng khuyến khích đầu tư chế biến khoáng sản trong nước có hiệu quả; đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ; áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị khoáng sản xuất khẩu.

Để tránh hiện tượng gian lận về giá trị xuất khẩu (kê khai giá xuất khẩu khoáng sản thấp hơn giá giao dịch thực tế) nhằm giảm thuế xuất khẩu, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, Bộ Công Thương kiến nghị sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành khung giá tính thuế xuất khẩu tối thiểu đối với các loại khoáng sản phù hợp với đơn giá xuất khẩu trên thị trường quốc tế. 

Thuế quá cao không hẳn hiệu quả

Liên quan đến kiến nghị về thuế nêu trên, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước là không khuyến khích xuất khẩu đối với tài nguyên khoáng sản ở dạng thô, mà chỉ khuyến khích xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ tài nguyên, khoáng sản đã qua chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.

“Với kiến nghị của Bộ Công Thương về việc xem xét sửa đổi chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng không thể tăng thuế xuất khẩu khoáng sản vì một số loại khoáng sản đang chịu mức thuế xuất khẩu 30 - 40%, kịch khung theo quy định của Quốc hội. Chẳng hạn, quặng và tinh quặng sắt, mangan, đồng, chì, kẽm áp mức thuế xuất khẩu 40%”, ông Tưởng nói.

Để việc quản lý khoáng sản hiệu quả, tiến tới cấm xuất khẩu khoáng sản thô, theo ông Tưởng, bên cạnh các giải pháp thuế quan, cần có các giải pháp phi thuế quan như áp hạn ngạch, quản lý chặt về cấp phép điều kiện khai thác, phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc quản lý khai thác. “Nếu tiếp tục nâng thuế lên mức quá cao trong khi các giải pháp quản lý không chặt chẽ, có thể tạo kẽ hở cho buôn lậu và các hành vi gian lận khác. Trong khi đó, khi quản lý việc cấp phép khai thác và sử dụng khoáng sản chặt chẽ có thể giúp bảo tồn được nguồn tài nguyên quốc gia”, ông Tưởng nhấn mạnh.

Do đó, tại công văn phản hồi, Bộ Tài chính kiến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu khoáng sản cũng như quản lý nhà nước hiệu quả. Đó là, tiến hành rà soát, đánh giá, hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản xuất khẩu, kiểm soát khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu thực hiện chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô, không áp dụng chính sách cho phép xuất khẩu khoáng sản cá biệt. Các loại khoáng sản không cấm thì áp dụng giấy phép xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục