Với khát vọng vươn lên, Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh

(BĐT) - Xác định phát triển doanh nghiệp, bảo đảm quyền công bằng, tự do kinh doanh, đầu tư là nội dung cần quan tâm để hoàn thiện thể chế, Việt Nam đang sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh và tham gia ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới.
Việt Nam đã và đang trong giai đoạn xóa bỏ thuế quan với rất nhiều loại hàng hóa. Ảnh minh họa: Internet
Việt Nam đã và đang trong giai đoạn xóa bỏ thuế quan với rất nhiều loại hàng hóa. Ảnh minh họa: Internet

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2019 - Bứt phá từ những động lực tăng trưởng", diễn ra ngày 12/3/2019.

Chia sẻ về các cơ hội đột phá từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, để tận dụng hiệu quả các lợi thế cũng như các cơ hội mà hội nhập kinh tế mang lại, phát triển doanh nghiệp được Việt Nam xác định là một trong những trọng tâm cần thúc đẩy, đi kèm với đó là hoàn thiện thể chế cho các hoạt động này nhằm tạo ra các bứt phá phát triển từ cơ hội và vị thế mới đem lại.

Theo Thứ trưởng, kinh tế Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với bước tiến gần nhất là tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Việc tham gia các FTA đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện các chính sách pháp lý, thể chế để ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ hội kinh doanh ngày càng rộng lớn hơn. Qua đó, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định.

“Đây cũng là thời điểm Việt Nam cần cấp thiết chuẩn bị cho các thách thức và cơ hội tất yếu từ các cam kết hội nhập quốc tế. Việc tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cũng đặt Việt Nam vào cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết tại phần lớn các FTA mà Việt Nam đã tham gia, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn hàng hóa trong biểu thuế xuất nhập khẩu. Điều này giúp hàng hóa Việt Nam dễ thâm nhập vào thị trường các nước, song cũng tạo điều kiện cho hàng hóa các quốc gia khác dễ dàng vào Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, các đối tác tham gia FTA cùng Việt Nam đều là đối tác lớn, đã phát triển và có nhiều lợi thế thương mại. Do đó, nếu không nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, vận dụng các luật lệ, chế tài để bảo vệ lợi ích đất nước trong tranh chấp thương mại, tận dụng các hiệu quả của công cụ phòng vệ hợp pháp để bảo vệ thì có thể có các tác động không tích cực trong việc thu hút vốn tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ phục vụ phát triển đất nước.

Theo đó, sự khắt khe của các FTA thế hệ mới đưa ra cách tiếp cận đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, giảm dần lợi thế về lao động giá rẻ, đồng thời đặt ra yêu cầu mới về đầu tư cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Những yêu cầu này cũng tác động trực diện và sâu rộng đến kinh tế đất nước, các địa phương, các doanh nghiệp và gia tăng sức ép cạnh tranh gay gắt hơn. Điều này đòi hỏi sự hoàn thiện về thể chế, đầu tư kinh doanh, đổi mới, đầu tư công hết sức cấp thiết”, Thứ trưởng Hiếu nói.

Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định phát triển doanh nghiệp, bảo đảm quyền công bằng, tự do kinh doanh và đầu tư là nội dung cần quan tâm để hoàn thiện thể chế. “Việt Nam đang triển khai hàng loạt công việc liên quan, đáng chú ý là hoàn thiện thể chế môi trường đầu tư, thể chế thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tận dụng lợi thế từ các FTA. Từ đó khẳng định vai trò và vị thế của đất nước. Chúng ta đang đứng trước cơ hội to lớn từ hội nhập và đây là thời điểm cần quyết liệt triển khai các giải pháp để biến cơ hội thành thành quả. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tôi tin là Việt Nam đang sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh và tham gia kinh tế thế giới ngày càng mạnh mẽ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục