Xây dựng thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển

(BĐT) - “Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là xây dựng thể chế, chính sách. Trong năm vừa rồi, Bộ đã làm được rất nhiều việc, vừa kiện toàn hệ thống pháp luật khắc phục được những vướng mắc, khó khăn cũ, vừa có những đề án thể chế hướng tới tương lai, nhất là trong bối cảnh tác động sâu sắc, nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT phải gỡ vướng cả vấn đề thực thi sau khi đã gỡ vướng được thể chế. Ảnh: Lê Tiên
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT phải gỡ vướng cả vấn đề thực thi sau khi đã gỡ vướng được thể chế. Ảnh: Lê Tiên

Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ KH&ĐT diễn ra ngày 18/7/2019.

Thể chế cần hướng tới tương lai

Trong nhiều thành tích mà Bộ KH&ĐT đạt được thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ trong việc hoàn thiện, xây dựng thể chế, chính sách.

Một trong những thành công lớn nhất của Bộ KH&ĐT, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, là trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư công. Đây là một luật khó, không phải dễ dàng để đạt được sự đồng thuận cao. “Muốn luật, nghị quyết đi vào cuộc sống thì cuộc sống phải đi vào được trong luật, nghị quyết. Trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ KH&ĐT đã tôn trọng ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời cũng bảo vệ được những quan điểm của mình. Luật Đầu tư công (sửa đổi) bám sát, phản ánh được nhu cầu thực tiễn và yêu cầu của thời gian tới”, Phó Thủ tướng nhận định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao nhiều đề án quan trọng, công phu, có giá trị mà Bộ KH&ĐT đã và đang thực hiện, như: Đề án về đánh giá lại GDP; Đề án tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng vốn FDI, định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ tạo ra một đề án khung, nền tảng cho triển khai các mô hình kinh tế chia sẻ cụ thể sau này…

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thể chế, chính sách để vận hành toàn bộ nền kinh tế, quan tâm xây dựng thể chế, khung khổ pháp luật mới để kiến tạo phát triển, đặc biệt là các mô hình cơ chế, chính sách mới trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.

“Bộ KH&ĐT đang xúc tiến xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, nhưng chính Bộ cũng phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, đi tiên phong trong đổi mới, cải cách thể chế”, Phó Thủ tướng nói. Một loạt gợi ý cũng được Phó Thủ tướng nêu ra: Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác rà soát, lập danh mục các vướng mắc trong thể chế đang là điểm nghẽn cản trở tăng trưởng, định hướng khắc phục, sửa chữa. Bên cạnh đó, tổng hợp các danh mục sandbox (khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định - PV), từ đó hoàn thiện thể chế, đón bắt cơ hội mới. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ phải gỡ vướng cả vấn đề thực thi sau khi đã gỡ vướng được thể chế, ví dụ như vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai Luật Quy hoạch, làm sao để triển khai hiệu quả các luật đã ban hành, khơi thông các động lực cho tăng trưởng.

Cũng hướng tới thể chế cho tương lai, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đề nghị, trong vấn đề phát triển vùng và liên vùng, ngay trong 6 tháng cuối năm, vấn đề nào có thể thể chế được thì cần thể chế. Nếu xây dựng sớm thể chế cho phát triển liên vùng thì sẽ có cơ sở phân bổ định mức, vốn đầu tư giai đoạn tiếp theo, thuận lợi cho phát triển vùng trong giai đoạn tới. 

Không vì lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tinh thần chung khi xây dựng thể chế, pháp luật của Bộ là dám nghĩ, dám làm, đổi mới mạnh mẽ, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ.

Bộ trưởng cho biết, từ nay đến cuối năm, công việc còn hết sức nặng nề, Bộ sẽ tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công (sửa đổi), tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các quy hoạch theo quy định…

Bộ cũng đang tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Tại Hội nghị sơ kết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị với Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ sớm cho ý kiến và quyết định đối với các đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật mà Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua trong các lĩnh vực do Bộ phụ trách. Trong đó, xem xét, ban hành sớm Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT...

Đây cũng là kiến nghị của lãnh đạo nhiều địa phương tại Hội nghị, bởi việc chưa ban hành 2 nghị định này đã và đang tạo ra khoảng trống pháp lý ảnh hưởng đến triển khai nhiều dự án, quyền lợi của nhà đầu tư, không phát huy được giá trị nguồn lực đất đai, tài sản công.

Tin cùng chuyên mục