Thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà gây lãng phí lớn

(BĐT) - Một số thủ tục đầu tư xây dựng hiện nay còn rườm rà, gây kéo dài thời gian thực hiện, khiến nhiều công trình đội vốn, lãng phí. Đặc biệt, ngay cả các công trình không sử dụng vốn nhà nước, khi doanh nghiệp hơn ai hết phải tự chịu trách nhiệm với đồng vốn của mình, vẫn bị quản một cách không cần thiết.
Để hoàn thiện các thủ tục trước khi khởi công xây dựng một công trình có thể phải mất từ 1 - 2 năm. Ảnh: Nhã Chi
Để hoàn thiện các thủ tục trước khi khởi công xây dựng một công trình có thể phải mất từ 1 - 2 năm. Ảnh: Nhã Chi

Vì thủ tục phải nâng giá thành

Nói về hành trình gian nan để có thể khởi công được một công trình, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, riêng xin điều chỉnh quy hoạch cũng mất khoảng 1 năm, để duyệt thiết kế cơ sở lại phải xin một loạt giấy phép nhỏ (duyệt chiều cao, đấu nối hạ tầng, duyệt phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường…), sau đó phải xin duyệt thiết kế thi công, rồi mới xin cấp giấy phép xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Đực cho biết, để được cấp giấy phép xây dựng phải qua thẩm tra thiết kế cơ sở, thiết kế thi công. Luật Xây dựng 2014 quy định về thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công đối với công trình sử dụng vốn khác ngoài vốn nhà nước là không cần thiết. Rất nhiều công trình xây dựng tại địa phương phải được Bộ Xây dựng duyệt thiết kế cơ sở.

Nghị định số 59/2015/NĐ-CP quy định công trình từ 20 tầng trở lên phải trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ban hành tháng 4/2017 nới lên từ 25 tầng mới phải trình Bộ, nhưng lại quy định thêm giới hạn về chiều cao phải không quá 75 m, nên nếu 20 tầng mà cao 76 m thì vẫn phải ra Bộ thẩm định. “Trong khi việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công đối với công trình sử dụng vốn khác là không cần thiết, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với công trình, đồng vốn của mình”, ông Đực nêu quan điểm, đồng thời tính toán, để hoàn thiện các thủ tục trước khi khởi công xây dựng này phải mất 1 - 2 năm và mỗi năm chậm về thủ tục, doanh nghiệp phải trả lãi thêm rất nhiều, tăng phí điều hành, khiến giá thành cuối cùng tăng 5 - 10%...

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, hiện còn rất nhiều “giấy phép con” trong lĩnh vực xây dựng, như quy định về chứng chỉ năng lực của tổ chức lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng, quy định về điều kiện của tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động xây dựng, quy định về điều kiện đối với đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị, giấy phép hoạt động xây dựng đối với nhà thầu nước ngoài…

Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai cũng còn một số chồng chéo, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng. 

Kỳ vọng gì vào việc sửa luật?

Trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Luật Xây dựng 2014, với lộ trình thực hiện là năm 2019. Trong đó, bổ sung 3 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng vào Khoản 2 Điều 89; đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều 91, Khoản 2 Điều 94 theo hướng không yêu cầu phải có điều kiện “phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt” khi cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Đơn giản hóa hồ sơ cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo tại Khoản 6 Điều 95 theo hướng bỏ tài liệu “bản sao giấy phép hoặc văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quảng cáo”, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.

Bên cạnh đó, giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 102 từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; sửa đổi Điều 103 theo hướng phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt cho UBND cấp tỉnh.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Luật Nhà ở, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với các ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện…

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xây dựng, khi được hỏi về những định hướng sửa đổi này, vẫn bày tỏ sự băn khoăn đó không phải là những sửa đổi đi vào gốc rễ của những thủ tục đang gây cản trở quá trình đầu tư xây dựng.

Tin cùng chuyên mục