Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP |
Phát biểu tại Hội thảo Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp diễn ra sáng 25/7, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, những tác động từ yếu tố bên ngoài cũng như khó khăn trong nước khiến cho tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm và phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng ở mức thấp mặc dù NHNN và cả ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Một số giải pháp được NHNN và ngành ngân hàng triển khai nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng như: Chủ động điều hành thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản tốt cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và phân bổ sớm, phân bổ hết chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD để tạo điều kiện cho các TCTD thuận lợi mở rộng tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện và định hướng cho các TCTD giảm lãi suất cho vay; tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi như Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực bất động sản…
"Có thể nói những giải pháp trên đã thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc đồng hành cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Đến ngày 30/6/2023, tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022", Phó Thống đốc cho biết.
NHNN sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ... Ảnh: Internet |
Trong những tháng cuối năm, kinh tế thế giới và trong nước dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hài hòa được các mục tiêu điều hành trong tổng thể chung của nền kinh tế thì nhiệm vụ của ngành ngân hàng sẽ rất nặng nề và gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Theo đó, về điều hành tín dụng và lãi suất, Phó Thống đốc khẳng định NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ...
NHNN cũng sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản...
Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm, chủ động, kịp thời thông tin, truyền thông về các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành của NHNN...
Để tiếp cận vốn thuận lợi, doanh nghiệp cần xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền của các phương án kinh doanh
Để tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Đại diện NHNN đề nghị các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu.
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, cần tăng cường trao đổi, truyền thông hướng dẫn đối với các doanh nghiệp thành viên, đồng thời tăng cường phối hợp với NHNN, các bộ, ngành, các TCTD trong việc cung cấp thông tin, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ hiệu quả quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần tiết giảm chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh; mở rộng, tìm kiếm các đối tác/nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hoá, giảm thiểu lượng hàng tồn kho.
Để tiếp cận vốn thuận lợi, doanh nghiệp cần xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền của các phương án kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn sai mục đích/tận dụng để bù đắp cho những phương án kinh doanh không hiệu quả; xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng, tham gia các hoạt động tư vấn để dự báo được những biến động của thị trường và có phương án xử lý phù hợp...