Tổ công tác của Thủ tướng công khai kết quả kiểm tra 2 Bộ

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả kiểm tra tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Khoa học và Công nghệ. - Ảnh: VGP
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Khoa học và Công nghệ. - Ảnh: VGP

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy năm 2017  là năm cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, trong tháng 10, Tổ công tác tiếp tục tiến hành 2 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong việc thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Kiểm tra rất nhiều, phát hiện ít

Trước khi kiểm tra tại hai Bộ nói trên, để có thông tin đầy đủ, khách quan, toàn diện về công tác KTCN hiện nay, Tổ trưởng Tổ công tác đã cử nhóm Thường trực Tổ công tác khảo sát thực tế tại Chi cục Hải quan khu vực 1 - Cục Hải quan TPHCM, địa điểm KTCN tập trung, Cơ quan thú y vùng VI và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kết quả khảo sát thực tế cho thấy số lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành là rất lớn. Theo số liệu của Chi cục Hải quan khu vực 1- Cục Hải quan TPHCM, trong quý II/2017, có tổng số 92.797 tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó có 33.221 tờ khai thuộc đối tượng quản lý, kiểm tra chuyên ngành, chiếm 35,8%.

Mặc dù kiểm tra rất nhiều, chồng chéo, một mặt hàng phải qua nhiều cơ quan KTCN, với nhiều thủ tục, nhiều hình thức khác nhau nhưng kết quả phát hiện vi phạm rất ít, chỉ khoảng 0,039%.

Cụ thể, từ đầu năm tới ngày 10/10, tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, có tổng số 42.000 lô hàng hóa nhập khẩu, kiểm tra 100% lô hàng nhưng chỉ có 12 lô (chiếm 0,028%) nhiễm sinh vật gây hại.

Tại Cơ quan Thú y vùng VI, trong 9 tháng năm 2017, có tổng số 21.643 lô hàng động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, trong đó có 15.105 lô hàng thuộc diện phải lẫy mẫu xét nghiệm, phát hiện 48 lô vi phạm, chiếm 0,32%.

“Thực trạng kiểm tra chuyên ngành hiện nay đã làm kéo dài thời gian thông quan, trở thành gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và làm giảm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu rõ.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra của Tổ công tác đã có tác động mạnh đến các cơ quan được kiểm tra.

Cụ thể, khi được kiểm tra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố những kết quả rất ấn tượng, như  giảm 91% sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, từ nay chuyển sang hậu kiểm.

Bộ NNPTNT cũng thể hiện tinh thần cầu thị, cởi mở, quyết tâm thay đổi, khắc phục những bất cập, tồn tại liên quan đến điều kiện kinh doanh, công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ.

Cụ thể là bãi bỏ và rút gọn 118 điều kiện kinh doanh (bãi bỏ 65; rút gọn 53) trong tổng số 345 điều kiện kinh doanh của Bộ; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành (chiếm 56,5%).

Đồng thời cắt giảm 5 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 4 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn và 9 nhóm hàng phải kiểm dịch thủy sản…

Loại bỏ ít nhất 50% mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, từ ngày 01/01/2017 đến 31/10/2017, có tổng số 16.085 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương.

Trong đó, có 9.695 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 8.243, quá hạn: 1.452); 6.390 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 6.108, quá hạn: 282 - chiếm 2,8%, giảm 0,4% so với tháng trước).

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các Bộ, cơ quan, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, theo hướng cải cách, sửa đổi bảo đảm căn cơ, tháo gỡ triệt để những vướng mắc, bất cập hiện nay, trình Chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 11 năm 2017.

Đối với các Bộ quản lý chuyên ngành, cần khẩn trương xác định, sửa đổi biện pháp quản lý để bảo đảm loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan so với hiện nay (trừ các mặt hàng theo quy định của Luật Thú y, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, theo thông lệ quốc tế yêu cầu áp dụng kiểm tra 100% lô hàng)…

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định thay thế Nghị định 80/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng để khắc phục kịp thời các bất cập, tồn tại.

Bộ cũng cần chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành quy định miễn kiểm tra với giới hạn số lượng cụ thể đối với hàng hóa nhập khẩu sử dụng vào mục đích trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới, làm mẫu, chạy thử, đối tượng nghiên cứu khoa học và các hàng hóa nhập khẩu không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam…

Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng, trình ban hành Nghị định sửa đổi nhiều Nghị định liên quan đến việc thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đồng thời, đề xuất cụ thể cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với danh mục hàng hóa phải KTCN hiện đang chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải nhằm khắc phục tình trạng một mặt hàng phải chịu quản lý, kiểm tra của nhiều cơ quan khác nhau để Văn phòng Chính phủ có cơ sở tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo này theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Đánh giá cao kết quả kiểm tra của Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các đề xuất, kiến nghị của Tổ công tác. Tổ công tác tiếp tục thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng, Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Tin cùng chuyên mục