TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch, để góp ý cho địa phương giải pháp thực hiện, phối hợp gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai phục hồi kinh tế.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cần 8 tỷ USD để phục hồi kinh tế

“Chúng tôi nhận thức muốn phục hồi kinh tế cần các quyết sách mang tính tổng hợp liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương và cần nguồn lực rất lớn, 1 địa phương không thể làm được. Đối với Thành phố, để hồi phục kinh tế theo tính toán cần 8 tỷ USD và cần có thời gian 6 - 9 tháng”, ông Võ Văn Hoan cho biết tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công 2022 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 15/9.

Theo UBND TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm nay, kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 10,57%, doanh thu ngành du lịch giảm 21,4%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,6%, tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài giảm 43,6%. Gần 3 nghìn doanh nghiệp giải thể, hơn 12 nghìn doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 18% so với 8 tháng 2020. Theo tính toán của Tổng Cục thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn Thành phố ước tính lần 1 giảm 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%).

Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tại Quyết định số 3204/QĐ-UBND ngày 1/9/2021 nhằm xây dựng các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng chống dịch, công tác an sinh xã hội, giải pháp phục hồi kinh tế và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư.

Mở cửa an toàn từng bước

Nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong năm 2022 là triển khai hiệu quả phòng chống, dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế; phục hồi các chuỗi sản xuất; điều hành linh hoạt phù hợp với tình hình dịch bệnh thông qua các biện pháp siết chặt hoặc nới lỏng hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực, đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân; bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong các nhóm giải pháp, Thành phố xác định nguyên tắc quan trọng nhất là mở cửa an toàn từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân trên nguyên tắc “đảm bảo an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải đảm bảo an toàn”.

Tiếp theo đó phục hồi kinh tế theo hướng dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh với thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”. Tuân thủ các hướng dẫn về an toàn phòng, chống dịch của Bộ Y tế trong từng lĩnh vực tương ứng với từng giai đoạn triển khai phòng, chống dịch. Sử dụng Thẻ xanh/Thẻ vàng COVID (chứng nhận điện tử do Sở Thông tin Truyền thông xây dựng dưới dạng mã QR) làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các đối tượng trong quá trình mở cửa phục hồi kinh tế. Đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng an ninh vững chắc.

Thành phố cũng xác định phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Đa dạng hóa nguồn tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP). Tăng cường công tác rà soát quy hoạch, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị.

Thúc đẩy các dự án đầu tư nhằm góp phần phục hồi kinh tế Thành phố trong và sau dịch Covid-19, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, do giải ngân vốn đầu tư công đang gặp nhiều khó khăn, Thành phố dự kiến rà soát để tiết kiệm chi, tạm thời giảm vốn của các dự án chưa thực sự cấp bách, chưa có khả năng triển khai nhanh trong bối cảnh dịch để điều chuyển nguồn lực của Thành phố sang các nhiệm vụ chi thường xuyên để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua các thách thức, khó khăn của dịch Covid-19.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng đề nghị thành lập Tổ công tác hỗ trợ các tỉnh phía Nam phục hồi kinh tế.

Trao đổi với Lãnh đạo TP.HCM, Long An, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các điạ phương để sớm phục hồi kinh tế địa phương. Về đề xuất thành lập Tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế cả nước. Song song với đó, các địa phương, tùy điều kiện, tình hình, cần xây dựng kế hoạch phục hồi của địa phương mình.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục