TP.HCM nghiên cứu đấu giá quỹ đất dọc các tuyến metro

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM đã tính đến việc khai thác quỹ đất, trung tâm thương mại dọc theo các tuyến metro để tăng thu cho ngân sách.
Hàng loạt dự án
nhà cao tầng được xây dựng “ăn theo” tuyến metro số 1 và Xa lộ Hà Nội với giá
trung bình trên 40 triệu đồng/m2
Hàng loạt dự án nhà cao tầng được xây dựng “ăn theo” tuyến metro số 1 và Xa lộ Hà Nội với giá trung bình trên 40 triệu đồng/m2

Metro nên hình hài, giá nhà đất tăng vọt

5 năm trở lại đây, dọc tuyến metro số 1 và Xa lộ Hà Nội từ quận 1 về đến quận 9 dài hơn 15km, hàng loạt dự án bất động sản, chung cư cao tầng mọc lên. Khi Xa lộ Hà Nội được mở rộng hơn 60m với 10 làn xe, có đường song hành 2 bên, đặc biệt là có tuyến metro số 1 chạy trên cao, giá trị của những dự án bất động sản “ăn theo” tăng chóng mặt.

Giá căn hộ tại các dự án dọc tuyến metro số 1 đoạn qua quận 2 từ 40 triệu đồng/m2 đến gần 80 triệu đồng/m2. Còn đất mặt tiền đường song hành phía quận 2 giá đến gần 200 triệu đồng/m2. Dự án Metro Star nằm ngay mặt đường Xa lộ Hà Nội còn thiết kế cả một cầu đi bộ từ ga số 9 của tuyến metro số 1, băng qua xa lộ để đi vào chung cư. Khu vực quận 9, Thủ Đức trước đây được xem là ngoại thành thì nay được quy hoạch thành phố phía Đông, giá đất cũng đã gần trên 150 triệu đồng/m2.

Càng vào khu trung tâm quận 1, đặc biệt là các dự án gần sát với metro số 1 giá càng chóng mặt. Hàng loạt dự án chung cư, biệt thự cao cấp dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh, nơi gần với ga metro Ba Son có giá trên 200 triệu đồng/m2. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nếu thành phố biết khai thác tốt các quỹ đất dọc hai bên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, sau đó tổ chức đấu giá sẽ bổ sung một nguồn kinh phí quan trọng vào ngân sách để tái đầu tư cho hạ tầng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù việc rà soát quỹ đất dọc tuyến metro số 1 và Xa lộ Hà Nội có chậm, tuy nhiên quỹ đất công ở các khu vực này còn khá lớn. Cụ thể như các khu đất tại Nhà máy Xi măng Hà Tiên (quận Thủ Đức) đã di dời; khu đất tại cảng Long Phước, ICD Long Phước đã có quy hoạch di dời. Nếu xác định được đúng, đề xuất giải pháp khai thác hợp lý, tổ chức đấu giá công khai, thành phố cũng sẽ thu được nguồn ngân sách khá lớn.

Tìm cách tạo nguồn thu từ metro

Mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương lập tổ công tác để phối hợp với các quận 2, quận 9, Thủ Đức, Bình Thạnh… xem xét thông qua phương án khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến metro số 1; rà soát xác định các quỹ đất xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 1, trong phạm vi bán kính từ 500 - 800m để đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tình hình triển khai các dự án đầu tư. Lập danh mục các quỹ đất, trong đó xác định cụ thể diện tích, tính pháp lý của từng khu đất… từ đó đề xuất giải pháp quy hoạch, chức năng sử dụng.

Thực tế, hiện các trung tâm thương mại lớn ở quận 1 như Vincom, Saigon Center, Bitexco Bến Thành… đều đã thiết kế hệ thống đường hầm kết nối từ tầng tầm của các tòa nhà này ra đoạn ngầm của tuyến metro số 1, từ ga Ba Son đến ga Bến Thành. Khi đó, người dân, khách du lịch từ các nơi đến các trung tâm thương mại bằng metro sẽ thuận tiện hơn, các trung tâm thương mại sẽ thu hút được nhiều khách hơn. Vì vậy, TP.HCM đang giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường tính toán việc các chủ đầu tư phải nộp các khoản kinh phí nhất định cho Thành phố để kết nối những trung tâm thương mại này với tuyến metro số 1.

Ngoài việc đấu giá các quỹ đất dọc metro, việc khai thác các nguồn như quảng cáo, cho thuê mặt bằng làm thương mại tại các nhà ga cũng được tính đến. Vì vậy, từ cuối năm 2019, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp Ban Quản lý đường sắt đô thị và các sở ngành liên quan tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế nhà ga Trung tâm Bến Thành.

Đây là nhà ga trung tâm đầu mối của 4 tuyến đường sắt đô thị và mang tính biểu tượng của thành phố. Sau khi có ý tưởng sẽ tổ chức thiết kế chi tiết các khu vực, tầng chức năng. Thành phố có thể bỏ kinh phí xây dựng sau đó cho đấu giá khai thác hoặc đấu thầu cạnh tranh để các nhà đầu tư tham gia đầu tư các hạng mục. Từ đó thành phố có thể có một nguồn thu đáng kể từ việc khai thác nhà ga.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất việc tuyển chọn tư vấn đấu thầu hỗ trợ lựa chọn Tư vấn lập phương án tài chính, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) theo hình thức PPP.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hiển, Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM), trong phương án tài chính mà tư vấn đưa ra, ngoài việc xác định nguồn vốn thực hiện, cần chỉ rõ các nguồn thu từ vé, quảng cáo, khai thác quỹ đất dọc tuyến... để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Tin cùng chuyên mục