Tranh cãi quanh tuyên bố trút 'lửa giận' lên Triều Tiên của Trump

Tuyên bố trút "lửa giận" vào Triều Tiên của Tổng thống Mỹ đang tạo nên hai luồng ý kiến phản ứng trái ngược.

 Trump đe dọa trút 'lửa giận' lên Triều Tiên.

Một bên cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump giống như "thùng thuốc súng" chực chờ bùng phát và ông thực sự sẵn sàng hành động. Bên còn lại tin phát ngôn cứng rắn mà ông chủ Nhà Trắng đưa ra thực chất chỉ là một đòn "tung hỏa mù" nhằm răn đe Triều Tiên, đồng thời làm hài lòng những tiếng nói dân túy trong nước.

Theo Washington Post, khi Tổng thống Trump hôm 8/8 đe dọa sẽ trút "hỏa lực" và "thịnh nộ" chưa từng thấy lên Triều Tiên, ông đã khiến không ít người hồi tưởng lại một trong những khoảnh khắc "rợn tóc gáy nhất" hồi năm 2016, thời điểm ông đang vận động tranh cử. Trump khẳng định ông sẵn sàng ném bom hạt nhân Triều Tiên. "Tôi muốn trở thành người khó đoán. Tôi yêu chiến tranh", ông quả quyết.

"Ý tưởng Donald Trump với vũ khí hạt nhân khiến tôi sợ đến chết", Bruce Blair, cựu quan chức phụ trách phóng tên lửa Mỹ, lúc bấy giờ nói. "Và mọi người cũng nên cảm thấy sợ hãi".

Sau tuyên bố trút "lửa giận" lên Triều Tiên của ông Trump, nỗi e sợ này một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ.

Bất đồng

Những người chỉ trích coi lời đe dọa từ Trump là bằng chứng về việc ông dường như muốn vượt "lằn ranh đỏ".

Tổng thống Mỹ "đang làm gia tăng rủi ro xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân", ông Blair, hiện là giáo sư nghiên cứu tại Đại học Princeton, Mỹ, nhận định. "Trump hết lần này đến lần khác cho thấy ông không phải người khéo léo trong ngoại giao".

Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng Tổng thống Trump đang làm hết sức, với một bản năng đáng ngưỡng mộ, nhằm bảo vệ quốc gia cũng như niềm tự hào về sức mạnh Mỹ.

Fred Doucette, người ủng hộ trung thành của Tổng thống Trump, cho biết ông vui mừng với thông điệp cứng rắn mà người đứng đầu Nhà Trắng gửi tới Triều Tiên.

"Tổng thống đã nói thứ ngôn ngữ mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiểu được. Cá nhân tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục như vậy và cho họ thấy ta nghiêm túc", ông Doucette, 52 tuổi, chia sẻ. "Tôi đoán Tổng thống đã phải thảo luận với các tướng lĩnh và nội các trước rồi".

 Ngoại trưởng Mỹ giải thích về tuyên bố 'lửa giận' của Tổng thống Trump.

Song theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, những phát ngôn của Tổng thống Trump không ngụ ý về một cuộc chiến tranh hạt nhân mà chỉ nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới lãnh đạo Triều Tiên.

"Người dân Mỹ nên ngủ ngon giấc, không cần lo lắng về những lời qua tiếng lại  thời gian gần đây", ông Tillerson nói và thêm rằng không có mối đe dọa cận kề từ Triều Tiên.

Năm ngoái, 10 cựu quan chức phụ trách điều khiển tên lửa hạt nhân Mỹ, gửi một bức thư mở cảnh báo "không nên tin tưởng giao phó mã kích hoạt hạt nhân" cho Tổng thống Trump bởi "ông đã thể hiện bản thân là người dễ bị kích động, phớt lờ tham vấn từ chuyên gia và thiếu thông tin trước những vấn đề quân sự, quốc tế cơ bản".

Nhưng hôm 9/8, các quan chức trên cũng có sự bất đồng trong quan điểm về Tổng thống Mỹ.

"Tôi cảm thấy nhẹ lòng đôi chút khi Tổng thống Trump công kích mạnh mẽ Triều Tiên. Tôi sẽ không chọn ngôn từ như vậy nhưng ông ấy rõ ràng đang khiến họ run sợ", một quan chức ký tên trong bức thư mở nói.

Nhưng một người khác lại khẳng định tuyên bố Tổng thống Trump phát đi là bằng chứng cho thấy những cảnh báo của họ hồi năm ngoái chính xác tuyệt đối.

"Ông ấy phát ngôn bốc đồng và hành động cũng bốc đồng. Tôi chẳng hiểu Tổng thống Trump có biết kiềm chế hay không", Mark Lussky, luật sư về hưu, từng làm việc cho đơn vị tên lửa chiến đấu Mỹ từ năm 1972 - 1976, bình luận. "Ông ấy không hề biết thoái lui".

Đa phần những người lo âu quan quan ngại về việc Tổng thống Trump truyền thông điệp cảnh báo tới Triều Tiên mà không cân nhắc tới các hệ lụy phía sau nó. Dù vậy, Nhà Trắng đã trấn an rằng "ngôn từ là của Tổng thống" nhưng "giọng điệu và mức độ cứng rắn trong thông điệp đều được bàn bạc từ trước" giữa chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly và các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Theo một nhà ngoại giao kỳ cựu từng phục vụ trong chính quyền Mỹ, tổng thống Mỹ không nên bột phát bình luận về những cuộc khủng hoảng toàn cầu. Điều họ nên làm là thảo luận với các chuyên gia về truyền thông, chính sách, cố vấn an ninh quốc gia, ngoại trưởng để truyền thông điệp nhất quán và mang tính chiến lược, ông nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục