Tranh cãi việc siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm kiểm soát rủi ro trong việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo quy định mới với những yêu cầu khắt khe hơn về nguyên tắc và trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi mua bán loại giấy tờ có giá này. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho rằng, các nội dung này quá chặt chẽ và chưa sát với thực tiễn hoạt động hiện nay.
Sắp tới, tổ chức tín dụng có thể không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, góp vốn, mua cổ phần… Ảnh: Song Lê
Sắp tới, tổ chức tín dụng có thể không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, góp vốn, mua cổ phần… Ảnh: Song Lê

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Góp ý nội dung dự thảo này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, còn nhiều quy định gây khó khăn cho hoạt động mua bán TPDN.

Cụ thể, Khoản 5 Điều 3 Dự thảo Thông tư quy định: “TCTD không được vay vốn của TCTD khác để mua TPDN”. Theo ông Long, Luật các TCTD không cấm hoạt động này, nên không có cơ sở để đưa ra quy định như trên. Bên cạnh đó, các TCTD huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nguồn vốn từ dân cư, tổ chức, các định chế tài chính (bao gồm TCTD khác) và thực hiện quản lý vốn tập trung. Nguồn vốn tập trung được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đầu tư, cho vay, trả nợ đến hạn... và không tách riêng nguồn hình thành vốn khi sử dụng. Vì vậy, TCTD không có căn cứ để xác định nguồn vốn sử dụng để mua TPDN được hình thành từ nguồn nào. Đề nghị bỏ nội dung này do không phù hợp với hoạt động quản lý vốn của TCTD.

Cũng theo ông Long, Điểm c Khoản 7 Điều 3 Dự thảo Thông tư quy định, TCTD chỉ được mua TPDN khi doanh nghiệp phát hành cam kết không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian TCTD nắm giữ trái phiếu là cần xem xét lại, vì nếu TCTD đầu tư trái phiếu sơ cấp thì TCTD cũng chỉ là một trong những người sở hữu trái phiếu, không thể đặt ra yêu cầu như trên.

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV cho rằng, quy định yêu cầu doanh nghiệp phát hành cam kết không thay đổi mục đích sử dụng vốn là chưa bảo đảm công bằng giữa các trái chủ vì TCTD chỉ là một trong các trái chủ. “Theo tôi, nên bỏ quy định này, trường hợp vẫn giữ đề nghị bổ sung thêm điều kiện có sự chấp thuận của các trái chủ khác”, ông Phương đề nghị.

Tương tự, đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, quy định yêu cầu doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian TCTD nắm giữ trái phiếu - cam kết riêng với TCTD - là không khả thi.

Với quy định tại Khoản 9 Điều 3 Dự thảo Thông tư yêu cầu TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành, ông Long đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn thế nào là “mục đích cơ cấu lại các khoản nợ” do hiện nay chưa văn bản pháp luật nào có định nghĩa về vấn đề này.

Theo Khoản 10 Điều 3 Dự thảo Thông tư, TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Ông Long cho rằng, mục đích trái phiếu phát hành để mua cổ phần, phần vốn góp là các mục đích không bị pháp luật cấm, cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng, do đó không có cơ sở để cấm các TCTD thực hiện mua trái phiếu với mục đích này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định nêu trên.

Từ đơn vị soạn thảo chính sách, ông Nguyễn Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN chia sẻ, việc thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN nằm trong định hướng siết chặt an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong quản trị hoạt động hệ thống ngân hàng nói riêng và hoạt động cấp tín dụng nói chung...

Về vướng mắc các TCTD nêu, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, các điều kiện như tại Dự thảo có thể khó cho TCTD nhưng bù lại sẽ giúp tăng cường chuẩn cấp tín dụng, bảo đảm để các TCTD quản lý được dòng tiền ra dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay, đồng thời bảo đảm được việc xử lý rủi ro tín dụng phát sinh sau này.

Tin cùng chuyên mục