Nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp chung cư là do xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân. Ảnh Ngô Ngãi |
Nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp là do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị; chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...).
Chưa hết, việc tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng; về chất lượng xây dựng chung cư; chất lượng thiết bị; công trình phòng cháy chữa cháy... vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đỉnh điểm của việc tranh chấp gay gắt chính là nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết; chưa làm "sổ đỏ" cho người mua nhà qua nhiều năm.
Nghiêm trọng hơn, có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp; hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn.
Theo nhận định của HoREA, bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ chủ đầu tư, còn có nguyên nhân do hệ thống pháp luật chưa có biện pháp chế tài kịp thời và hiệu quả, như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có quy định các điều cấm nhưng không có điều khoản chế tài.
Một điều bất cập nữa là, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; quản lý phát triển nhà... lẽ ra phải được thay thế bằng Nghị định mới để triển khai các Luật mới, đã được Quốc hội thông qua năm 2014, 2015 nhưng trên thực tế đến nay vẫn chưa có.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó trong cuộc họp kinh tế - xã hội do UBND TP.HCM tổ chức diễn ra vào cuối tháng 9/2017, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phân loại các vụ tranh chấp để tập trung xử lý.
Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với các quận huyện tập huấn cho các ban quản trị, đơn vị vận hành chung cư. Vì thực tế cho thấy năng lực của một số ban quản trị chưa đạt, có nhận thức không đúng về pháp luật.