Triển vọng tích cực nhờ lợi thế cạnh tranh quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trò chuyện với Báo Đấu thầu trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng khả quan trong năm qua. Tuy nhiên, kết quả đó chưa hẳn đảm bảo cho một tương lai phát triển bền vững, hay nói cách khác, còn nhiều việc phải làm để những kết quả tích cực của năm 2021 sẽ là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững, đảm bảo cuộc sống ấm no cho người dân trong thời gian tới.
Môi trường đầu tư của Việt Nam ghi nhận nhiều bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Ảnh: Tiên Giang
Môi trường đầu tư của Việt Nam ghi nhận nhiều bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Ảnh: Tiên Giang

Khép lại một năm gian khó, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng với nhiều chỉ báo tích cực. Theo ông, những điểm nào đáng chú ý trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm qua?

GS.TS. Andreas Stoffers

GS.TS. Andreas Stoffers

2021 quả là một năm không hề dễ dàng với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bất chấp những tác động từ thị trường thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đáng kể. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng trên đà tăng trưởng. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt được kết quả rất tích cực trong năm vừa qua bất chấp các trở ngại từ thị trường quốc tế. Tỷ giá USD/VND giữ ổn định trong suốt năm 2021. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp, cho dù Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng, các chỉ số kinh tế tích cực trong năm 2021 chưa hẳn đã đảm bảo chắc chắn cho một tương lai tăng trưởng bền vững trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Bởi lẽ, đằng sau những con số tích cực đó vẫn có thể nhìn thấy một số lĩnh vực riêng lẻ của nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực với các mức độ khác nhau. Trong đó, rõ rệt nhất là lĩnh vực dịch vụ và du lịch vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động bình thường trở lại, nhu cầu tư nhân suy yếu, các khoản nợ xấu ngày càng gia tăng và tốc độ giải ngân đầu tư công chậm là những vấn đề đáng lưu tâm. Giờ là thời điểm Việt Nam cần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các chuyên gia, khách du lịch quay trở lại.

Trong năm qua, nhiều chính sách ứng phó với dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã được ban hành. Ông đánh giá như thế nào về việc ban hành và thực thi các chính sách này?

Việt Nam đã chuyển từ chiến lược “Zero-Covid” sang cách thức sống chung an toàn với dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Các chính sách được ban hành và thực thi trong năm 2021 cho thấy Chính phủ đã lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn nhằm hỗ trợ về nhiều mặt như lao động, vốn, y tế cho doanh nghiệp và người dân.

Về chính sách tài khóa, điểm tích cực trong năm vừa qua là nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước của Việt Nam vẫn ở mức tích cực, được kiểm soát chặt chẽ, từ đó tạo dư địa cho nỗ lực hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển hoạt động của doanh nghiệp.

Về chính sách tiền tệ, khác với các nước phương Tây áp dụng chính sách “lãi suất 0%” hoặc “lãi suất âm”, Việt Nam vẫn kiên định với mặt bằng lãi suất thấp hợp lý, dành dư địa chính sách để thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế với giá vốn phù hợp.

Trong khi đó, việc áp dụng chính sách “lãi suất bằng 0” hoặc “lãi suất âm” của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang khiến lạm phát leo thang. Như một hệ lụy của chính sách này, nhiều người giàu lại là đối tượng được hưởng lợi, trong khi nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương lại rơi vào tình trạng mất tiền hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các gói an sinh xã hội cơ bản.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chính sách cần được xem xét lại một cách kỹ lưỡng, theo từng nhóm đối tượng và các khía cạnh khác nhau. Trong đó, nhóm hộ kinh doanh là một thành phần kinh tế năng động và góp phần tạo sức sống tích cực cho nền kinh tế, nhưng lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn và cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đặc biệt là ưu đãi thuế khi mở rộng quy mô sản xuất. Nhóm khu vực dịch vụ lữ hành và một số dịch vụ khác cũng vậy. Chính phủ cần xác định các chính sách cụ thể với từng nhóm đối tượng khác nhau của nền kinh tế, dựa trên những kết quả nghiên cứu cụ thể và đáng tin cậy.

Dịch Covid-19 dự báo có thể chưa chấm dứt trong một khoảng thời gian ngắn. Do đó, việc lựa chọn điểm cân bằng tối ưu giữa đảm bảo sức khỏe của người dân và duy trì ổn định nền kinh tế là bài toán nan giải trong thời gian tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn”. Mỗi động thái chính sách mà Chính phủ ban hành cần phải có sự tính toán cẩn trọng đến các tác dụng “phụ” về kinh tế. Đặc biệt, việc đóng cửa kéo dài cũng để lại nhiều hậu quả lên đời sống kinh tế - xã hội và tâm lý cho đại đa số người dân. Mặt khác, không chỉ có Covid-19, thế giới vẫn còn tồn tại nhiều căn bệnh khác cần được chú trọng chữa trị. Đồng thời, Nhà nước cần đảm bảo chính sách an sinh cho người nghèo, những đối tượng yếu thế trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, Chính phủ vừa cần chú trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế để tránh tụt hậu vừa cần đảm bảo sinh kế cho người dân.

Để các hoạt động kinh tế có thể diễn ra trong trạng thái “bình thường mới”, việc chống dịch cần cân nhắc thực thi theo định hướng tăng cường trách nhiệm của cá nhân nhằm có các giải pháp ứng phó phù hợp.

Với mức tăng trưởng GDP 2,58% trong năm 2021, theo ông, có điều gì đáng lo ngại đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Theo tôi, mức tăng trưởng GDP 2,58% không phải là thấp khi so sánh với các nền kinh tế khác trên thế giới. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo vẫn sẽ phát triển tích cực nhờ các lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là mạng lưới dày đặc các hiệp định thương mại tự do (FTA), các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư, lực lượng lao động dồi dào, sẵn sàng làm việc và ham học hỏi, cùng sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2021, hàng ngàn doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, từ đó xảy ra tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Việt Nam sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.

Một điều kiện tiên quyết chính là chiến lược bình thường mới cần phải được áp dụng một cách phù hợp và hiệu quả. Các mục tiêu chính cần hướng đến thúc đẩy hoạt động giao thương và khôi phục chuỗi cung ứng, thay vì mở rộng ngân sách nhà nước cho các hoạt động khác nhau.

Mặt khác, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới giáo dục và đào tạo chính là “chìa khóa vàng” cho cánh cửa tương lai phát triển bền vững. Trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh, chỉ những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo một cách chuyên sâu mới có nhiều lợi thế. Điều này đòi hỏi Chính phủ không chỉ dừng lại ở việc chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) mà còn phải hướng đến tăng cường giáo dục theo định hướng “học đi đôi với hành”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Đây là điểm mà Việt Nam đã và đang thực hiện, ghi nhận nhiều bước tiến mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Hành lang pháp lý cho quá trình hội nhập cũng ngày càng được củng cố, hoàn thiện, trong đó Luật Đầu tư có hiệu lực là điển hình.

Về chính sách điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô, việc tiếp tục thực thi một chính sách tài khóa - tiền tệ nhất quán sẽ giúp Việt Nam ổn định kinh tế, từ đó tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi. Tất cả các chính sách và định hướng cần được thực thi một cách cẩn trọng nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một giai đoạn quan trọng của “bình thường mới” các hoạt động kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tin cùng chuyên mục