Trump khó cắt đứt liên minh 'máu mủ' với Nhật

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đi trước một bước, chủ động gặp Tổng thống Mỹ đắc cử Trump nhằm nhắc nhở về mối quan hệ "đã ăn vào máu" trong chiến lược của hai nước. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump, phải, gặp gỡThủ tướng Nhật Bản một tuần sau khi ôngđắc cử. Ảnh:AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump, phải, gặp gỡThủ tướng Nhật Bản một tuần sau khi ôngđắc cử. Ảnh:AFP

Chỉ sau một tuần ông Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 17/11 đã có cuộc gặp kéo dài 90 phút tại Tháp Trump, New York. Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên của ông Trump với một lãnh đạo nước ngoài kể từ khi đắc cử.

Phát biểu với các phóng viên sau đó, Thủ tướng Abe cho hay ông đã có cuộc trò chuyện "thẳng thắn" với ông Trump trong một "bầu không khí ấm cúng". Ông tự tin về việc xây dựng một mối quan hệ dựa trên niềm tin với tổng thống Mỹ sắp tới.

"Liên minh không thể hoạt động nếu không có niềm tin. Tôi bây giờ tự tin rằng tổng thống đắc cử Trump là một lãnh đạo đáng tin cậy", ông Abe nói.

Giới quan sát đánh giá cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ vẫn duy trì mối quan hệ đồng minh thân thiết với Nhật Bản. 

"Kể từ chiến tranh Triều Tiên, việc phòng thủ cho Nhật Bản đã trở thành viên đá nền tảng trong chiến lược của Mỹ. Có rất nhiều nhân tố khiến cho chiến lược này khó thay đổi, giống như những cơ thể sinh vật kế thừa DNA", ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề châu Á, Đại học Temple, Nhật Bản. 

Theo ông Dujarric, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản đã trở thành DNA trong chiến lược của Washington, do đó Tổng thống Mỹ đắc cử Trump có thể sẽ duy trì mối hợp tác này bất chấp những tuyên bố gây lo ngại của ông trong chiến dịch tranh cử vài tháng trước. Ông Trump từng cho biết ông muốn các đồng minh của Mỹ phải chi trả nhiều hơn cho việc đóng quân của quân đội nước này, đề nghị Nhật Bản nên có được vũ khí hạt nhân riêng.

Lưu ý về sự chủ động của thủ tướng Nhật Bản trong cuộc gặp với ông Trump, ông Robert Eldridge, cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện làm việc tại Okinawa, Nhật Bản, cho biết ông Abe hành động như vậy là có lý do. 

"Là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và là cháu ngoại của cựu Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi, người đã ký hiệp ước an ninh với cựu Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, ông Abe ông hiểu rõ giá trị của mối quan hệ với Mỹ, điều có thể thấy trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ đắc cử", ông Eldridge nói.

Theo ông Eldridge, ông Donald Trump sẽ cần các đồng minh để ngăn Trung Quốc tạo thêm sự bất ổn trong khu vực và tuân theo các quy tắc quốc tế. Bắc Kinh không thể được phép nắm quyền kiểm soát ở biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Tokyo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cũng có quan điểm tương tự, Ông Michael Kugelman, Trung tâm Woodrow Wilson, Mỹ, cho biết bất chấp những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử sẽ giảm hiện diện ở châu Á, Donald Trump sẽ duy trì quan hệ mạnh mẽ với các nước ở khu vực này.

"Cuộc gặp giữa ông Trump với ông Abe là điều rất đáng kể, nó là một trong những cuộc gặp đầu tiên của ông Trump với lãnh đạo nước ngoài. Quan hệ của Mỹ với Nhật, Hàn và Philippines cùng các đối tác khác quá quan trọng để giảm tông. Thậm chí với Trump, người không biết nhiều về chính sách ngoại giao, cũng hiểu điều này", ông Kugelman nói.

Cựu quan chức quốc phòng Mỹ Eldridge cho hay hiện vẫn chưa rõ mức độ ông Trump hiểu tầm quan trọng của Nhật Bản và mối quan hệ đồng minh với Mỹ đến mức nào. Các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cho thấy ông không hiểu hết vai trò của Nhật Bản trong khi Tokyo có thể giúp duy trì lợi ích trung hạn và dài hạn của Washington. 

"Khi ông Trump hiểu hơn về tầm quan trọng của Nhật Bản trong mối liên minh, tôi tin ông sẽ nỗ lực hơn để giữ mối quan hệ thân thiết với Tokyo, cả về cam kết song phương và trong bối cảnh có mối bất ổn tiềm ẩn từ phía Trung Quốc. Mỹ và Nhật đã có mối quan hệ thân thiết suốt 70 năm qua và sẽ vẫn cần nhau hơn trong tương lai", Eldridge nói.

Nghi ngại ở châu Á 

Theo chuyên gia Dujarric, về cơ bản Donald Trump không có kiến thức gì về chính sách, cả vấn đề đối ngoại và đối nội, không có kinh nghiệm về hoạt động của chính phủ hay quản lý một tổ chức quy mô lớn. Do đó việc dự báo chính sách của ông là điều khó khăn, mọi người vẫn đang trong tình trạng thăm dò.

Giáo sư Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á, Đại học Temple Nhật Bản, đánh giá tổng thống đắc cử Trump đã làm giảm tín nhiệm của Mỹ ở châu Á bằng những phát ngôn trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông ám chỉ việc xem xét lại cam kết an ninh của Mỹ ở khắp thế giới. Hiện các cố vấn của ông Trump đang nỗ lực thay đổi tình thế bằng cách nói rằng "ứng viên Trump" và "tổng thống Trump" sẽ là hai con người khác nhau. 

"Hy vọng ông Trump sẽ tin tưởng vào những cố vấn dày dạn kinh nghiệm", Kingston nói.

Để lấy lại được sự tín nhiệm của Mỹ ở châu Á, Michael Fuchs, Trung tâm American Progress, nêu một số nhân tố có thể giúp ích cho tổng thống đắc cử Trump. Đó là ông Trump cần nói rõ mình cam kết duy trì và tăng cường vai trò của Mỹ trong bảo đảm hòa bình ở châu Á; tái khẳng định những bổn phận của Mỹ trong các hiệp ước với các đối tác; nói rõ cam kết hợp tác với các nước ở khu vực, trong đó có ASEAN, tiếp tục tham dự các hội nghị quan trọng như Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và đóng góp vào định hình các quy tắc trong khu vực.

"Ông Trump cũng cần nói rõ mình sẽ nỗ lực hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề ưu tiên như biến đổi khí hậu và thể hiện sự cứng rắn về các hành động của Trung Quốc, chẳng hạn như ở Biển Đông", ông Fuchs nói. 

Tin cùng chuyên mục