Làm việc với đại diện các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 chiều 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tinh thần luôn luôn chủ động, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh.
Việt Nam chủ trương thực hiện chiến lược vắc xin và nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch nói riêng và trong chấp hành các quy định.
Thủ tướng kết luận cuộc họp với các cơ quan, nhà sản xuất vắc xin chiều 23/7/2021. Ảnh: VGP |
Chỉ đạo Bộ Y tế, Hà Nội xác định mức độ vi phạm "chạy" tiêm vắc xin
Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước, theo Thủ tướng, là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược vắc xin, theo tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường để không phụ thuộc mãi vào nguồn cung bên ngoài.
Nhấn mạnh quan điểm dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động sản xuất trong nước, Thủ tướng chỉ đạo, phải sản xuất bằng được vắc xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng cũng phải bảo đảm an toàn, đặt tính mạng sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết và bảo đảm các nguyên tắc về khoa học, thực tiễn và pháp lý.
Với một số vấn đề vướng mắc về pháp lý, người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ báo cáo Quốc hội, các ủy ban có liên quan để đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về kinh tế xã hội, trong đó có nội dung liên quan tới vấn đề này.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh đề xuất, xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong sản xuất vắc xin trong nước.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Y tế, Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành liên quan có kế hoạch cụ thể hỗ trợ tối đa các nhà sản xuất, sớm hoàn thành quy trình đánh giá việc sản xuất vắc xin. Theo tinh thần đó, các cơ quan phải chủ động cùng doanh nghiệp, nhà sản xuất triển khai chứ không phải "khoán trắng cho các nhà sản xuất, đưa tiền để làm thế nào cũng được".
Về tài chính, Bộ Tài chính được giao chủ trì, cùng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan quy định hỗ trợ kinh phí theo các căn cứ pháp lý, tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể. Thủ tướng nêu rõ việc bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước và công bằng giữa các nhà nghiên cứu, sản xuất.
Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế dành ưu tiên đặc biệt cho việc thành lập Tổ công tác do một lãnh đạo Bộ trực tiếp phụ trách, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để giúp Việt Nam đánh giá thủ tục lâm sàng, từ đó sớm cấp phép sản xuất vắc xin.
"Trong điều kiện cấp bách, khẩn trương và người dân mong mỏi như hiện nay, các bộ, ngành khi triển khai công việc, nhiệm vụ phải kiểm tra, giám sát và cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng. Việc phân bổ, tiêm vắc xin vừa qua có tình trạng "chạy chỗ nọ, chỗ kia". Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Bộ Y tế và Hà Nội xác định rõ mức độ vi phạm để xử lý kịp thời" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu nguyên tắc, tình hình khẩn cấp thì nhiều cái phải quyết, nhưng dứt khoát phải đặt lợi ích của nhân dân, dân tộc, đặt cái chung lên trên hết, không vì lợi ích cá nhân mà vi phạm.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế triển khai ngay các hướng dẫn, quy định về mặt chuyên môn để kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đông y và tây y trong điều trị Covid-19.
Tổ chức tiêm phòng nhanh nhưng không ảnh hưởng yêu cầu chống dịch
Đây là cuộc họp thứ 2 trong vòng 1 tháng qua của lãnh đạo Chính phủ về vấn đề sản xuất vắc xin. |
Tại Cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định các cơ quan đã chú ý việc nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid-19 trong nước từ tháng 3/2020.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là các địa phương cần tổ chức tiêm nhanh, bảo đảm an toàn, nhưng không được ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Tại địa bàn đang chống dịch như TP.HCM, cần nghiên cứu, điều chỉnh quy trình tiêm phù hợp, bảo đảm vừa an toàn, vừa đúng theo kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay cả nước có 2 ứng viên vắc xin phòng Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng gồm vắc xin Nanocovax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển, dự kiến các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 4/8/2021 đến 19/8/2021 và vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất, dự kiến 30/7 bắt đầu bước vào giai đoạn 2 thử nghiệm trên người, có thể chuyển sang giai đoạn 3 vào tháng 9.
Đối với nghiên cứu chuyển giao công nghệ vắc xin từ nước ngoài, có 3 đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận, đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ các đối tác của Mỹ (vắc xin của Công ty Acturus), Nhật Bản (vắc xin của hãng Shionogi) và Nga (vắc xin Sputnik V của DS-Bio). Hiện, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, nếu thuận lợi từ cuối năm 2021 sẽ bắt đầu sản xuất, với công suất từ 200-300 triệu liều vắc xin/năm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng.
Dự kiến trong cuối tháng 7/2021, các chuyên gia WHO sẽ đến Việt Nam hỗ trợ Bộ Y tế về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng, thẩm định đánh giá các vắc xin sản xuất trong nước cũng như các vắc xin chuyển giao công nghệ theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp.