Vì sao các dự án PPP cao tốc kém hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực tế thu hút đầu tư vào các dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) thời gian qua cho thấy, cả nhà đầu tư và ngân hàng cho vay vốn đều không “mặn mà” vì tổng vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài và có nhiều rủi ro về phương án tài chính trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Các nhà đầu tư quan tâm đến dự án PPP hạ tầng giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư từng thực hiện dự án BOT trước đây nên khó tiếp tục huy động tín dụng. Ảnh: Tường Lâm
Các nhà đầu tư quan tâm đến dự án PPP hạ tầng giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư từng thực hiện dự án BOT trước đây nên khó tiếp tục huy động tín dụng. Ảnh: Tường Lâm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên năm 2004 (cao tốc TP.HCM - Trung Lương), đến nay cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.163 km đường bộ cao tốc, tốc độ xây dựng bình quân 74 km/năm và chưa hoàn thành mục tiêu “đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng 2.000 km đường cao tốc”. Trong giai đoạn 2017 - 2020, việc kêu gọi đầu tư, huy động vốn tín dụng cho các dự án PPP đường bộ cao tốc gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã phải chuyển hướng từ đầu tư PPP sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước. Hiện 3 dự án PPP trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) vẫn đang gặp khó khăn về huy động tín dụng. Tổng nhu cầu vốn vay của 3 dự án này là 9.000 tỷ đồng nhưng hiện các nhà đầu tư PPP mới huy động được tổng mức vốn vay tín dụng từ các ngân hàng khoảng 6.500 tỷ đồng (tương ứng 72% nhu cầu vay vốn). Trong khi đó, ở 3 dự án PPP này, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn chỉ từ 16 - 17 năm, được đánh giá là rất hiệu quả về tài chính so với các dự án PPP giai đoạn trước đó nhưng vẫn gặp khó khăn về huy động vốn (hầu hết các dự án BOT giao thông giai đoạn 2011 - 2016 không có sự tham gia hỗ trợ vốn của Nhà nước, thời gian thu hồi vốn cơ bản đều trên 20 năm).

Theo báo cáo của các nhà đầu tư 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông, do khó khăn về huy động tín dụng, các nhà đầu tư ngoài tăng vốn chủ sở hữu lên tại các dự án so với quy định trước đó đã huy động thêm các nguồn vốn khác, phần vốn còn lại đang nỗ lực đàm phán vay một số ngân hàng để hợp vốn và cung cấp tín dụng.

Trong tổng số gần 60 dự án PPP do Bộ GTVT triển khai thực hiện trong khoảng 10 năm qua, các nhà đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp xây dựng, năng lực thi công tốt, đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo quy định nhưng tiềm lực tài chính không mạnh. Chính vì vậy, việc huy động vốn vay của các doanh nghiệp này phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư cho biết, các dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lãi vay ngân hàng ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với thế giới (lãi suất trên thế giới trung bình chỉ 2 - 3%/năm, ở Việt Nam khoảng 11%/năm), trong khi nguồn thu chủ yếu để hoàn vốn đầu tư từ thu phí trên đầu phương tiện. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh thu của dự án phần lớn bị sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố: tốc độ phát triển kinh tế - xã hội không đạt so với dự báo, việc triển khai các quy hoạch có liên quan không đúng lộ trình, phát sinh đầu tư các tuyến đường song hành của địa phương nên lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến đường dự án PPP bị giảm… Qua thực tiễn triển khai, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đều đánh giá các dự án đầu tư đường bộ cao tốc theo phương thức PPP là lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên rất e dè, cân nhắc khi tham gia các dự án PPP mới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, thời gian qua, các dự án PPP đường bộ cao tốc ở Việt Nam chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính. Trong tổng số gần 60 dự án PPP do Bộ GTVT triển khai thực hiện trong khoảng 10 năm qua, các nhà đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp xây dựng, năng lực thi công tốt, đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo quy định, nhưng tiềm lực tài chính không mạnh. Chính vì vậy, việc huy động vốn vay của các doanh nghiệp này phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng. Trường hợp dự án phát sinh rủi ro về doanh thu thường không chủ động được nguồn lực tài chính để xử lý nên các tổ chức tín dụng quan ngại và thận trọng khi xem xét cho vay. Mặt khác, các tổ chức tín dụng hiện nay cho các dự án vay vốn chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Để đảm bảo ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, pháp luật về tín dụng cũng giới hạn mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan như tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 1 khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại (Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng)… Hiện nay, nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư đã từng thực hiện các dự án BOT giai đoạn trước đó nên khả năng tiếp tục huy động tín dụng để đầu tư các dự án PPP cao tốc mới sẽ khó khăn, cả phía nhà đầu tư và ngân hàng cho vay đều sẽ rơi vào thế “mắc kẹt”, ngay cả khi tìm được một dự án PPP tốt, có thể đảm bảo hiệu quả tài chính theo quy định.

Tin cùng chuyên mục