Vì sao ngành giáo dục chậm giải ngân vốn đầu tư công?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương bố trí cho ngành giáo dục đào tạo (GDĐT) và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo kế hoạch là 7.380,9 tỷ đồng (gồm 4.544,2 tỷ đồng vốn trong nước và 2.836,7 tỷ đồng vốn nước ngoài). Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến hết tháng 7/2021, số vốn đã giải ngân của Ngành mới đạt 1.062 tỷ đồng, tương đương 14% số vốn kế hoạch năm 2021, thấp hơn tỷ lệ trung bình 36,71% của cả nước.
Đến hết tháng 7/2021, số vốn đã giải ngân của ngành giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp đạt 1.062 tỷ đồng, tương đương 14% kế hoạch năm 2021. Ảnh: Tiên Giang
Đến hết tháng 7/2021, số vốn đã giải ngân của ngành giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp đạt 1.062 tỷ đồng, tương đương 14% kế hoạch năm 2021. Ảnh: Tiên Giang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án ngành GDĐT và GDNN năm 2021 có thuận lợi là đã tăng cường phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công hàng năm, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm theo Luật Đầu tư công .

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả giải ngân các dự án ngành giáo dục đạt tỷ lệ rất thấp. Theo phản ánh của các chủ đầu tư, do cơ chế chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng nhiều lần điều chỉnh, đơn giá đền bù thay đổi thường xuyên, người dân không đồng ý với phương án đền bù giải phóng mặt bằng nên không thể giải ngân kế hoạch vốn đã được giao.

Bộ KH&ĐT đánh giá, công tác tổ chức triển khai thực hiện các dự án ngành giáo dục tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng; người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường.

Một số chủ đầu tư dự án chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 bố trí cho ngành GDĐT và GDNN là 7.380,9 tỷ đồng (4.544,2 tỷ đồng vốn trong nước và 2.836,7 tỷ đồng vốn nước ngoài), tăng 13% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 18% so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, vốn đầu tư tập trung tại các bộ, cơ quan trung ương là 6.971,8 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2020 (vốn trong nước 4.544 tỷ đồng, phân bổ cho 28 bộ và cơ quan trung ương; vốn nước ngoài là 2.822 tỷ đồng bố trí cho 6 cơ quan trung ương). Vốn đầu tư tại địa phương 409 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 394 tỷ đồng, vốn nước ngoài 15 tỷ đồng.

Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ cung cấp, lắp đặt thiết bị, nguyên vật liệu, nhân công bị ảnh hưởng, đo đó tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án nhìn chung chậm so với kế hoạch. Đặc biệt, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của các dự án. Mặt khác, do một số dự án ngành GDĐT và GDNN sử dụng vốn vay nên tất cả mọi quy trình thủ tục đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như các quy định của nhà tài trợ, nên quá trình đấu thầu kéo dài gấp 3 - 4 lần so với dự án thông thường.

Để tăng cường giải ngân các dự án ngành GDĐT và GDNN, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Bên cạnh đó phải chủ động rà soát, điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Đồng thời phối hợp kịp thời với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công của các chương trình, dự án.

Tin cùng chuyên mục