Vốn vay về không tiêu được, tắc ở đâu?

(BĐT) - Con số 28 địa phương trong 6 tháng đầu năm không giải ngân được vốn ODA khiến nhiều người lo ngại tiền vay về không tiêu được sẽ gây ra hệ lụy, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Ách tắc giải ngân theo địa phương do nhiều nguyên nhân, cần tháo gỡ một cách đồng bộ, quyết liệt.
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân gây ách tắc giải ngân vốn ODA. Ảnh: Lê Tiên
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân gây ách tắc giải ngân vốn ODA. Ảnh: Lê Tiên

Vướng ở nhiều khâu

6 tháng đầu năm, Gia Lai mới giải ngân 9,6% kế hoạch vốn nước ngoài. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, việc chậm giải ngân vốn nước ngoài của Tỉnh do rất nhiều vướng mắc. Đơn cử như trong công tác chuẩn bị đầu tư, việc lập dự án còn chậm trễ và kéo dài; một số dự án khởi công mới thiết kế bước 2 còn chậm. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, sau khi kế hoạch vốn 2019 được giao, các hoạt động dự kiến triển khai trong năm phải thông qua nhà tài trợ xem xét, cho ý kiến không phản đối trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, trong hoạt động đấu thầu, đơn vị thực hiện dự án vừa phải đảm bảo các yêu cầu của nhà tài trợ vừa phải tuân thủ các quy định đấu thầu của Việt Nam nên một số trường hợp mất nhiều thời gian hơn để triển khai hoạt động dự án.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hoàng, theo quy định, UBND tỉnh phải phê duyệt chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án, không phê duyệt từng dự án riêng lẻ, tuy nhiên, một số địa phương chậm gửi báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư về Tỉnh đã làm ảnh hưởng đến các địa phương khác và tiến độ triển khai tổng thể.

Đối với Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu vướng mắc do thiếu vốn so với nhu cầu thực hiện.

Tổng hợp từ nhiều địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, nổi lên những vướng mắc lớn liên quan đến công tác kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài; tính sẵn sàng của các dự án thấp; vướng mắc trong thủ tục và thẩm định cho vay lại; vướng mắc trong thủ tục giải ngân, rút vốn.

Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, trên thực tế có nhiều dự án được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng không thể giải ngân được do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư. Nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, gia hạn hiệp định, chậm phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kĩ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu chậm trễ... Ví dụ như các dự án: Mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Giao thông đô thị TP. Hải Phòng, Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ, Xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy, Xây dựng Trường Đại học Dược Hà Nội…

Bên cạnh đó, quy trình kiểm soát chi phức tạp, chậm phê duyệt đơn rút vốn, nhất là đối với các dự án giải ngân theo kết quả như Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh. Quá trình xây dựng kế hoạch, các bộ, ngành và địa phương không tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí và thời gian theo quy định cũng dẫn đến việc bố trí vốn sai quy định; kéo dài thời gian rà soát và giao kế hoạch vốn dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian… 

Cần giải pháp đồng bộ

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ KH&ĐT diễn ra ngày 18/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH&ĐT cần rà soát, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp để tạo ra bước chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) khi có hiệu lực được nhiều địa phương đánh giá sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP đang được khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành nhằm cải tiến, đơn giản hoá quy trình thủ tục tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và phù hợp với Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua cũng như các quy định pháp luật hiện hành.

Trong triển khai dự án, Bộ KH&ĐT lưu ý các cơ quan chủ quản theo dõi chặt chẽ tình hình và khả năng giải ngân của từng dự án, kịp thời triển khai các thủ tục điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao theo quy định; ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định trong năm kế hoạch; bố trí đủ để thanh toán cho các cam kết hợp đồng đã ký với nhà thầu.

Đồng thời, theo Bộ KH&ĐT, cần gắn trách nhiệm với người đứng đầu các đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2019. Các bộ, ngành và địa phương tăng cường chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu mua sắm, có giải pháp xử lý việc thiếu vốn đối ứng...

Tin cùng chuyên mục