Vùng ven Hà Nội đua nhau đấu giá giữa lúc thị trường trầm lắng

0:00 / 0:00
0:00
Các huyện vùng ven Hà Nội đua nhau tổ chức các phiên đấu giá đất giữa lúc thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng. Tuy nhiên, các thửa đất đấu giá có giá trúng cao gấp 3-5 lần giá khởi điểm và liên tục lập đỉnh giá mới.

Tại huyện Mê Linh, ngày 8/8 vừa qua, cả 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm đã đấu giá thành công. Trong đó, thửa đất có giá trúng cao nhất là 70,3 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 30 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về gần 76 tỷ đồng.

Cũng tại huyện Mê Linh, 17 lô đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh đã được mang ra đấu giá. Giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng/m2 đến 35,2 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng cao gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm, tổng thu về là 98,36 tỷ đồng, chênh 39,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm (58,96 tỷ đồng).

Các huyện vùng ven Hà Nội đua nhau tổ chức các phiên đấu giá đất giữa lúc thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng.

Các huyện vùng ven Hà Nội đua nhau tổ chức các phiên đấu giá đất giữa lúc thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng.

Đáng chú ý, lô đất có diện tích 129,7m2 ở vị trí lô góc có mức trúng cao nhất lên đến 85,5 triệu đồng/m2, tương đương 11,1 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với giá khởi điểm. Hay lô đất có diện tích lô đất 95,6m2, giá trúng lên tới 75,5 triệu đồng/m2, tương đương 7,22 tỷ đồng.

Mức giá đỉnh 85 triệu đồng/m2 tại huyện Mê Linh trên đã bị phá bỏ khi phiên đấu giá đất 33 lô đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông mức giá cao nhất lên tới hơn 93 triệu đồng/m2.

Cụ thể, lô LK-B-01 có diện tích 160m2, giá trúng lên tới 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng, chênh 8,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Bên cạnh đó, lô đất LK-A-01 có diện tích 193m2, giá trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng.

Hay mới đây, huyện Thanh Oai tổ chức phiên đấu giá 42 lô đất, giá khởi điểm từ 8 - 48,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cũng ghi nhận mức giá trúng cao gấp 2 - 5 lần so với giá khởi điểm. Cá biệt, lô đất LK1-03 có diện tích 99,5m2, giá khởi điểm 12,2 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng lên tới 66,8 triệu đồng/m2, tương đương 6,6 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với giá khởi điểm.

Ở khu vực Đông Anh, các đơn vị liên quan cũng vừa tổ chức đấu giá 18 thửa đất để xây dựng nhà ở với diện tích 1.438,1 m2 tại điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ.

Giá khởi điểm cho các thửa đất từ 40,8 - 55,1 triệu đồng /m2 ( tuỳ diện tích và vị trí). Kết thúc phiên đấu, tổng số tiền thu được là gần 100 tỷ đồng, với mức trúng từ 46,8 – 105 triệu đồng/m2.

Theo các chuyên gia bất động sản, việc đấu giá đất tăng cao là câu chuyện hiển nhiên, nhưng thực tế thời gian qua có nhiều người đấu giá xong với giá cao rồi bỏ cọc gây tác động xấu đến thị trường. Thậm chí, chuyên gia cho rằng, việc đấu giá đất cao rồi bỏ cọc là chiêu thức của nhà đầu tư, để “thổi giá” của các lô đất xung quanh khu vực đấu giá, mà họ đã mua trước đó. Vì thế, khi họ bán được đất xung quanh rồi thì bỏ luôn tiền cọc ở lô đấu trúng.

Đề xuất dừng cuộc đấu giá đất khi mức trúng bị đẩy lên quá cao

Báo cáo tại Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhận định, còn nhiều tồn tại và hạn chế trong vấn đề đấu giá đất ở nước ta. Do đó, cần bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực. Bổ sung quy định xử lý thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất. Bổ sung quy định về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định chung của pháp luật về quản lý thuế.

Tin cùng chuyên mục