Xăng dầu tăng giá, “hãm” CPI bằng cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng dầu đã có 4 đợt tăng giá, tổng mức tăng lên đến 11,5% đối với xăng RON 95. Có dự báo cho rằng, nếu mặt hàng này vượt qua mốc 20.500 đồng/lít, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 có thể vượt mốc 4%.
Từ đầu năm đến nay, đã có 4 đợt tăng giá xăng RON 95 với tổng mức tăng là 1.951 đồng/lít, tương ứng 11,5%. Ảnh: Tường Lâm
Từ đầu năm đến nay, đã có 4 đợt tăng giá xăng RON 95 với tổng mức tăng là 1.951 đồng/lít, tương ứng 11,5%. Ảnh: Tường Lâm

Tuy nhiên, một số ý kiến khác nhận định, dù giá xăng dầu đang trong đà tăng, CPI cả năm vẫn có thể ở mức thấp nhờ nỗ lực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Ngày 12/3, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng theo xu hướng của thế giới. Theo đó, xăng E5 RON 92 lên mức 17.722 đồng/lít, xăng RON 95-III lên 18.881 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng lên 14.401 đồng/lít, dầu mazut tăng lên 13.769 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã có 4 đợt tăng giá với tổng mức tăng đối với xăng RON 95 là 1.951 đồng/lít, tương ứng 11,5%. Các mặt hàng xăng dầu khác cũng tăng khoảng 10%.

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tiếp tục tăng. Đầu giờ sáng ngày 15/3, (giờ Việt Nam), trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 66,05 USD/thùng, tăng 0,41 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2021 đứng ở mức 69,58 USD/thùng, tăng 0,36 USD/thùng.

Giới phân tích cho rằng, giá dầu tăng mạnh sau khi thị trường dầu thô ghi nhận thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Một số chuyên gia phân tích thế giới nhận định, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) duy trì sản lượng ổn định sẽ là lực đẩy quan trọng giúp giá dầu tăng vọt, có thể lên mức 80 USD/thùng vào mùa hè năm nay và có thể lên tới 100 USD/thùng trong khoảng thời gian 12 tháng tới.

Phân tích về tác động của giá xăng dầu với lạm phát, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý II - quý III năm nay trong bối cảnh mặt bằng giá xăng bán lẻ tạo đáy vào cùng kỳ năm ngoái. Giả định giá các loại hàng hóa khác không có biến động bất thường, với việc giá xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong rổ CPI, KBSV ước tính CPI bình quân 2021 có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng RON 95 bình quân 2021 tăng 30% so với cùng kỳ (tương đương mức 20.500 đồng/lít).

Bình luận về tác động của xu thế tăng giá xăng dầu hiện nay với lạm phát, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu là một trong những mặt hàng đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh, có tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến CPI. Bên cạnh xăng dầu, còn nhiều yếu tố khác tạo nên xu thế của lạm phát. Do đó, giá xăng dầu không hẳn quyết định lạm phát nhưng đây là yếu tố có tính cảnh báo. “Nếu giá xăng dầu tăng cao mà Chính phủ ứng phó kịp thời, hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, điều hành cung cầu hàng hóa hợp lý, quản lý thị trường chặt chẽ thì vẫn có thể kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu đã đặt ra”, ông Long nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính, năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nhờ có vắc-xin, đồng thời kinh tế trong nước và thế giới phục hồi, lạm phát sẽ có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, lạm phát sẽ không tăng cao khi kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn. “Năm 2021, trường hợp có biến động mạnh về giá xăng dầu hay giá thực phẩm như năm 2019, lạm phát trung bình nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức dưới 3%. Ở kịch bản thấp hơn, lạm phát trung bình có thể ở mức khoảng 2%”, ông Độ nói.

Tại báo cáo chiến lược tháng 3, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng CPI sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2021. Theo đó, các yếu tố hạn chế sự gia tăng CPI bao gồm: dự kiến phục hồi chậm của ngành giao thông, văn hóa, giải trí và du lịch do ảnh hưởng của Covid-19; các chính sách đảm bảo cân bằng cung cầu và ổn định thị trường. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát có thể sẽ gia tăng trong nửa cuối năm do giá hàng hóa cơ bản phục hồi nhanh chóng và tác động của chính sách nới lỏng kéo dài.

Báo cáo chuyên đề “Lạm phát sẽ đi về đâu ?” mới đây của Ngân hàng HSBC cho rằng, trong những năm gần đây, mối tương quan giữa chi phí vận tải trong nước và giá dầu quốc tế ngày càng rõ rệt, điển hình là độ trễ khoảng một tháng. Vì vậy, HSBC dự báo sẽ có một số áp lực tăng lạm phát do giá vận tải cao hơn.

Vì Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020, nên lạm phát do nhu cầu trong nước được duy trì tương đối tốt. Mặc dù nhu cầu trong nước sẽ được cải thiện vào năm 2021, nhưng thị trường lao động tiếp tục trì trệ sẽ hạn chế lạm phát. “Sau khi xem xét tất cả yếu tố, chúng tôi kỳ vọng lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình khoảng 3%”, báo cáo của HSBC nhận định.

Tin cùng chuyên mục