Xây dựng các chỉ số thống kê trong đấu thầu

(BĐT) - Là giai đoạn 2 của hợp tác Sáng kiến Hợp đồng công khai giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hệ thống Thống kê, Giám sát và Đánh giá trong đấu thầu (HTTKGSDG) đang được triển khai với mục tiêu giám sát tốt hơn nữa sự tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu, đánh giá tính hiệu quả của công tác đấu thầu, đưa ra các báo cáo và thống kê đấu thầu một cách toàn diện, chính xác và tin cậy.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thấy được hiệu quả từ Hợp đồng công khai

Theo số liệu của WB, các chính phủ trên thế giới sử dụng khoảng 9.500 tỷ USD thông qua các hoạt động mua sắm công. Việc công khai trong quá trình thực hiện, quản lý hợp đồng đã giúp tiết kiệm cho ngân sách các quốc gia này giá trị khoảng 1%.

Thống kê ở Việt Nam trong 5 năm gần đây cho thấy, nguồn vốn nhà nước dành cho mua sắm công ước tính khoảng 410 nghìn tỷ đồng/năm, với mức giả định tiết kiệm như trên, hàng năm ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm được 4.100 tỷ đồng từ việc công khai thông tin về thực hiện hợp đồng. Từ đó có thể thấy, việc tăng cường công khai thông tin trong lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được xem là một phương thức hiệu quả trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.

Sáng kiến Hợp đồng công khai (OC) được WB, tư vấn Development Gateway (DG) phối hợp cùng Cục Quản lý đấu thầu thực hiện từ 30/10/2015 - 4/2016 là một sáng kiến được phát triển tập trung vào tăng cường tính công khai và sự tham gia giám sát trong tất cả các giai đoạn từ lựa chọn nhà thầu đến thực hiện và quản lý hợp đồng. Sáng kiến OC được triển khai tại Việt Nam nhằm mục đích tăng cường việc công khai các dự án, gói thầu sử dụng vốn nhà nước, phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu. Đồng thời, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp vào quá trình theo dõi, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng trong và sau đấu thầu để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Qua quá trình thực hiện thí điểm tại Cục Quản lý đấu thầu, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, Ban Quản lý dự án 1 (PMU1) thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế đã cho thấy hiệu quả rõ ràng của việc công khai, minh bạch thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu cũng như quá trình thực hiện hợp đồng. 

Hiệu quả đấu thầu được đánh giá rõ

Dựa trên những thành công của OC, HTTKGSDG trong đấu thầu đang được Cục Quản lý đấu thầu và DG phối hợp triển khai hướng tới phân tích và đánh giá tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, HTTKGSDG trong đấu thầu cùng với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ là những công cụ hữu hiệu giúp việc quản lý nhà nước đối với công tác đấu thầu được thực sự hiệu quả hơn. HTTKGSDG trong đấu thầu sẽ dựa trên cơ sở nguồn dữ liệu của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được chuẩn hóa, có thể kết nối trực tiếp với các bên mời thầu/chủ đầu tư để thu thập tất cả những số liệu, thông tin liên quan đến hoạt động đấu thầu trong từng gói thầu, tại từng chủ đầu tư/bên mời thầu. “Trên cơ sở đó, bộ công cụ lọc HTTKGSDG trong đấu thầu sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu có thể khai thác, phân tích, từ đó có những đề xuất chính sách theo mục tiêu quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo một đại diện khác của Cục Quản lý đấu thầu, HTTKGSDG trong đấu thầu được kỳ vọng sẽ xây dựng được các bộ chỉ số để phân tích và đánh giá về các mục tiêu (cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả) của hoạt động đấu thầu; đưa ra các giao diện hiển thị cũng như so sánh về các chỉ số; đưa ra các khuyến nghị để sửa đổi chính sách liên quan đến việc thu thập dữ liệu cho HTTKGSDG trong đấu thầu; xây dựng tài liệu tập huấn về việc sử dụng HTTKGSDG trong đấu thầu cho Cục Quản lý đấu thầu và các đơn vị thực hiện.

Theo chuyên gia của DG, các bộ công cụ giám sát, đánh giá đấu thầu điện tử sẽ được tích hợp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong tương lai. Khi đó, quy trình tổ chức đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ được thực hiện theo các bước: nhập dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu trực tiếp, thông tin hợp đồng. Với những dữ liệu này, có thể tạo công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu đấu thầu, sử dụng dữ liệu hiện có theo các ưu tiên của Chính phủ về giám sát, đánh giá. Từ đó, có thể chuyển đổi dữ liệu hiện có trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sang dữ liệu công khai để giám sát.

Tin cùng chuyên mục