Xử lý vi phạm hành chính trong đấu thầu: Đề xuất bổ sung nhiều hành vi vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Dự thảo lần 4 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đã được hoàn thiện. Riêng với lĩnh vực đấu thầu, mức xử phạt tiền tối đa được đề xuất tăng lên 80 triệu đồng; nhiều hành vi vi phạm trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất đã được đề xuất bổ sung.
Đề xuất bổ sung hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư PPP. Ảnh: Lê Tiên
Đề xuất bổ sung hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư PPP. Ảnh: Lê Tiên

Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản và nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các luật có liên quan được ban hành từ trước đó. Riêng đối với lĩnh vực đấu thầu, một số văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều thay đổi sau khi Nghị định số 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực. Đơn cử, các quy định của Luật Đầu tư năm 2020 có tác động tới quá trình đấu thầu các dự án có sử dụng đất; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)...

Cùng với đó, đấu thầu qua mạng ngày càng được đẩy mạnh theo lộ trình được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Do đó, khi lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định, một số bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm tới các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện đấu thầu qua mạng của các chủ đầu tư/bên mời thầu.

Theo ý kiến của Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Long, cần quy định rõ ràng theo hướng phạt tiền đối với hành vi không đăng tải hoặc đăng tải không đầy đủ nội dung thuộc hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng đề nghị xem xét bổ sung việc xử phạt đối với hành vi “không tổ chức đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu đủ điều kiện tổ chức đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định”.

Sở KH&ĐT TP. Hà Nội đề nghị bổ sung các hành vi vi phạm khác như: Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để tham gia đấu thầu dù không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu; kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để tham gia đấu thầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ KH&ĐT đã bổ sung các đề xuất nêu trên để hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Đối với hành vi không tuân thủ quy định về thời hạn trong việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, Bộ KH&ĐT nhận định hành vi này có tính chất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới tính minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu. Do đó, sẽ không có hình thức phạt cảnh cáo mà chỉ có mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi này.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả là những mục mới được bổ sung vào Dự thảo Nghị định. Các nội dung liên quan tới vấn đề trên được quy định tại 4 điều trong Dự thảo gồm: vi phạm quy định về lập danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất; vi phạm quy định về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; vi phạm quy định về tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; vi phạm về hợp đồng đối với lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư PPP, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cũng được bổ sung vào Dự thảo Nghị định, tách thành 1 mục riêng nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật PPP và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư PPP bao gồm: vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động đầu tư; vi phạm trong tiểu dự án PPP có cấu phần xây dựng; vi phạm về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; vi phạm quy định trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; vi phạm khác về lựa chọn nhà đầu tư; vi phạm về hợp đồng dự án, doanh nghiệp dự án PPP; vi phạm về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực PPP; vi phạm về thực hiện dự án PPP.

Bộ KH&ĐT đã gửi Dự thảo Nghị định sang Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục