Xuất khẩu tăng, song vẫn tiềm ẩn rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao…, nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, hoạt động xuất khẩu (XK) vẫn tiềm ẩn rủi ro, thách thức.
4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: Tường Lâm
4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: Tường Lâm

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng ước tính đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%.

Có 19 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch XK như: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ…

Xét về cơ cấu nhóm hàng XK, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 57,58 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 36,6 tỷ USD, tăng 27,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 7,33 tỷ USD, tăng 8,8%. Nhóm hàng thủy sản đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%. Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm; tiếp đó là Trung Quốc, EU, ASEAN…

Đối với nhập khẩu (NK), 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch NK hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 35,69 tỷ USD, tăng 24,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,92 tỷ USD, tăng 34,2%. Nhóm hàng NK chủ yếu là tư liệu sản xuất (chiếm 93,9% tổng kim ngạch NK hàng hóa) từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, ước tính Việt Nam xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, XK tăng trong 4 tháng đầu năm 2021 là kết quả của những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ban, ngành trong việc phòng chống dịch bệnh song song với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, là những hiệu ứng tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.

Dự báo về triển vọng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động XK của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các FTA được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn; thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực… Tuy vậy, vẫn có một số ý kiến quan ngại khi dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình XK hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác”, ông Võ Trí Thành nhìn nhận.

Ông Thành nhấn mạnh: “Được xem là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế, song hiện giá trị gia tăng của hàng hóa XK Việt Nam vẫn thấp; tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, nếu muốn tạo ra nội lực, thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cũng thừa nhận, các yếu tố góp phần tạo nên tăng trưởng XK hiện nay rất dễ bị tổn thương. Do đó, trường hợp bùng phát dịch trở lại thì có thể trở thành yếu tố gây ảnh hưởng, sụt giảm ngay hoạt động XK.

Để thúc đẩy XK bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng. Theo hướng này, để thúc đẩy tăng trưởng XK, các doanh nghiệp phải tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa XK. Mặt khác, cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên thị trường thế giới để có thể tranh thủ khai thác hết cơ hội, tiếp tục duy trì được thế mạnh XK.

Tin cùng chuyên mục