10 gói thầu kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên: Thi công đến đâu, vướng mắc đến đó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) hạ tầng đô thị TP.HCM, 10 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang được các nhà thầu thi công một số hạng mục như: kè bờ kênh, xử lý nền bằng cọc xi măng đất, đường giao thông, cầu giao thông, các cống, hệ thống thoát nước… Tuy nhiên, tiến độ còn chậm, thi công đến đâu, vướng mắc đến đó.
Năm 2024, Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được bố trí 2.300 tỷ đồng, đã giải ngân được 456,943 tỷ đồng, đạt 19,87%. Ảnh minh họa: Song Lê
Năm 2024, Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được bố trí 2.300 tỷ đồng, đã giải ngân được 456,943 tỷ đồng, đạt 19,87%. Ảnh minh họa: Song Lê

Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 30/4/2025. Theo liệu mới nhất, hạng mục kè bờ kênh đạt 67,65% khối lượng; hạng mục thi công cọc bê tông li tâm ứng suất trước đạt 54,16%; hạng mục xử lý nền bằng cọc xi măng đất đạt 52,83%; thi công bê tông đá đạt 20,02%; đã hoàn thành 19/22 cống. Năm 2024, Dự án được bố trí 2.300 tỷ đồng, đã giải ngân được 456,943 tỷ đồng, đạt 19,87%.

Dù các gói thầu đang được đẩy nhanh tiến độ, nhưng theo báo cáo của Chủ đầu tư, hàng loạt khó khăn, trở ngại đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu.

Trước hết là vướng mắc về ranh dự án và công tác thu hồi mặt bằng, Dự án còn nhiều trường hợp chưa thống nhất phương án bàn giao mặt bằng. Đơn cử, trên địa bàn quận Bình Tân có 14 trường hợp vướng mắc về mặt bằng, trong đó có 3 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường giai đoạn 1. Do đó, nhà thầu thi công Gói thầu XL-01 đoạn qua phường Tân Tạo A chưa có mặt bằng thi công các hạng mục kè và gia cố sau kè. Nhà thầu thi công Gói thầu XL-10 cũng chưa thể thi công vì còn vướng 19/150 trường hợp chưa giao mặt bằng tại Quận 12.

Đối với khu vực bờ kênh tiếp giáp khu chôn lấp rác Gò Cát, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, ranh đất giai đoạn 1 bị co hẹp không đảm bảo hành lang kỹ thuật bờ kênh 20m, lòng đường giao thông rộng 12m xuyên suốt toàn tuyến. Hiện có khoảng 115m kè bờ kênh phạm vi tiếp giáp khu chôn lấp Gò Cát chưa thể triển khai thi công do mặt bằng quá hẹp, không đủ bố trí thiết bị thi công loại cẩu lớn, dễ gây sạt lở kênh.

Một khó khăn nữa là toàn bộ Dự án được thi công dưới các đường dây điện trung, hạ thế, trạm biến áp và viễn thông. Các công trình kỹ thuật này cần được di dời và bố trí mới để có mặt bằng thi công, đẩy nhanh tiến độ. Chỉ tính riêng công trình điện lực đã có 16 tuyến và 73 trụ điện cần di dời, chưa kể 15 tuyến lưới điện cao thế 110kV, 220kV, 500kV cắt ngang và đi dọc phạm vi Dự án.

“Trong quá trình thi công, các đơn vị quản lý vận hành tuyến đường dây điện yêu cầu phạm vi an toàn của tuyến phải cộng thêm phạm vi đề phòng sự cố ngã đổ của thiết bị thi công. Nội dung này dẫn tới điều chỉnh thiết kế của từng hạng mục kết nối an toàn dưới đường dây lưới điện cao thế, dẫn tới tăng chi phí xây dựng của từng gói thầu”, Chủ đầu tư cho biết.

Theo tiến độ thực tế, các nhà thầu thi công 10 gói thầu xây lắp đang bước vào giai đoạn thi công hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thoát nước... Khi tiến hành đào mở phạm vi bờ kênh, có rất nhiều hệ thống thoát nước của các nhà xưởng, xí nghiệp dọc 2 bờ kênh chưa được xử lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn do phải chờ đợi thủ tục. Đơn cử, tại hạng mục đường kết nối dưới cầu Sông Chùa thuộc Gói thầu XL-03, dù Công ty CP Xây dựng 201, Công ty CP Hải Đăng đã được Sở Giao thông vận tải TP.HCM cấp giấy phép thi công từ ngày 1/11/2023 với thời gian thi công từ ngày 4/11/2023 đến ngày 30/8/2024, nhưng nhà thầu chưa thể triển khai thi công do Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông chưa bàn giao mặt bằng dưới dạ cầu Sông Chùa trên đường Võ Trần Chí (quận Bình Tân).

Bên cạnh đó, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông đang là chủ đầu tư 2 dự án (Xây dựng mới cầu Bà Hom, Xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý) đều băng qua kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Quá trình thi công 2 cầu này đã tiến hành xây các cầu tạm trên phạm vi Dự án.

Do đó, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, Ban đã kiến nghị Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông khẩn trương phối hợp để có phương án xử lý phù hợp và bàn giao mặt bằng các cầu tạm băng ngang kênh trước tháng 8/2024 để các nhà thầu chủ động phương án thi công, đảm bảo tiến độ.

Tin cùng chuyên mục