Độc quyền… ra tiền
Trước cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2016 dự kiến diễn ra ngày 26/4 tới, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài đã hiện thực hóa cam kết với cổ đông khi chi ra hơn 130,8 tỷ đồng vào ngày 10/3 để trả cổ tức lần 2/2015, tỷ lệ 50% bằng tiền mặt. Trước đó, tháng 9/2015, NCT đã tạm ứng cổ tức lần 1 năm 2015, với tỷ lệ 50%.
Đây không phải là lần đầu tiên NCT thực hiện chi trả cổ tức cao như vậy, mà trong 5 năm qua, doanh nghiệp này trả cổ tức từ 128 - 236%/năm, hầu hết bằng tiền mặt, riêng năm 2013 trả 70% do Công ty cần tăng vốn để mở rộng hoạt động sản - xuất kinh doanh.
NCT duy trì được chính sách cổ tức cao, theo phân tích của nhiều chuyên gia, chủ yếu nhờ vào lợi thế là đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, sở hữu 55% cổ phần) và gần như độc quyền về cung cấp dịch vụ tại Cảng hàng hóa Nội Bài (Hà Nội) trong nhiều năm. Ngoài ra, trong cơ cấu cổ đông NCT hiện nay còn có Vietfracht, NASCO.
Hoạt động kinh doanh của NCT bao gồm 4 mảng chính: phục vụ hàng hóa (49%), xử lý hàng hóa (33%), lưu kho (8%) và các hoạt động khác (10%). Đặc thù là doanh nghiệp dịch vụ nên trong nhiều năm qua, quy mô tổng tài sản và doanh thu của NCT chỉ chiếm lần lượt 0,5% và 0,8% Vietnam Airlines, nhưng lợi nhuận sau thuế chiếm trên 90% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines.
Năm 2015, dù không duy trì được tỷ trọng áp đảo trong bảng lợi nhuận hợp nhất của Vietnam Airlines như những năm trước đó, nhưng NCT cũng ghi nhận kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng với doanh thu 795,6 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2014 và vượt 11% kế hoạch; lãi ròng đạt 310,5 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014 và vượt 13% kế hoạch. Lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) đạt xấp xỉ 12.000 đồng.
Xét về khả năng sinh lợi, chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) của NCT vượt xa Vietnam Airlines. So với các công ty con khác của Vietnam Airlines, NCT là công ty có ROE cao nhất, theo sau là các công ty như Công ty Dịch vụ Hàng hóa TSN, Công ty Giao nhận hàng hóa Vinako, Công ty Suất ăn Hàng không Việt Nam, NASCO, Công ty Suất ăn Hàng không Nội Bài... Giai đoạn 2009 - 2012, các chỉ tiêu này có xu hướng giảm dần, nhưng hồi phục mạnh kể từ năm 2013, với tỷ lệ ROA trung bình 3 năm gần nhất đạt xấp xỉ 80%, tỷ lệ ROE trung bình đạt trên 65%.
Trong hơn 1 năm kể từ khi chào sàn niêm yết cho đến nay, NCT là một trong những cổ phiếu có mức tăng giá tốt nhất, tăng 62,5%, đạt 119.000 đồng/CP vào ngày 12/4/2016 (mức tăng giá đã điều chỉnh yếu tố tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP vào tháng 7/2015).
Áp lực từ đối thủ cạnh tranh mới
NCT chiếm lĩnh phần lớn thị phần phục vụ hàng hóa tại Sân bay quốc tế Nội Bài, nhưng có những vấn đề mà Công ty sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới.
Báo cáo đánh giá của CTCK Bảo Việt cho thấy, hàng hóa qua Sân bay Nội Bài được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao trong tương lai. Tuy nhiên, Ga hàng hóa Nội Bài hiện đã quá tải và nhiều khả năng sản lượng hàng hóa tăng lên sẽ chuyển sang làm hàng tại ga hàng hóa của ALS - đơn vị bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015.
Sự xuất hiện của ALS là nỗi lo lớn nhất của NCT và đã được chính cổ đông đặt ra trong kỳ ĐHCĐ năm ngoái. Kể từ ngày 3/10, NCT đã ngừng phục vụ cho 2 hãng hàng không Cathay Pacific Airways (CX) và Hongkong Dragon Air (KA) do 2 hãng này chuyển hàng hóa sang phục vụ tại ga hàng hóa mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2015 của ALS. Hiện tại, chỉ riêng hàng hóa của CX đã chiếm khoảng 15% thị phần hàng hóa qua Sân bay Nội Bài.
Bên cạnh đó, theo phân tích của CTCK Bảo Việt, việc Samsung được chấp thuận xây dựng một nhà ga riêng tại Nội Bài do ALS làm chủ đầu tư và được kết nối thẳng đến kho hàng không tại Khu công nghiệp Yên Phong (Thái Nguyên) từ cuối năm 2014 có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của NCT. Samsung hiện chiếm khoảng 35 - 40% thị phần hàng hóa quốc tế vận chuyển qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và khoảng 35% trong thị phần quốc tế của NCT.
Lưu ý, các đơn vị phục vụ hàng hóa như NCT ký hợp đồng phục vụ hàng hóa trực tiếp với các hãng hàng không, chứ không phải với các đơn vị sản xuất - kinh doanh. Mỗi hãng hàng không có thể nhận vận chuyển hàng hóa từ nhiều đơn vị kinh doanh khác nhau. Việc Hãng hàng không CX từ chối phục vụ tại NCT kể từ tháng 10/2015 là một dấu hiệu cho thấy thị phần của NCT đang mất dần về tay ALS.
Ngoài ra, theo đánh giá của các thành viên thị trường, trong tương lai gần, khá khó để NCT mở rộng quy mô hoạt động khi phụ thuộc vào đơn vị cho thuê cũng như khi Sân bay Quốc tế Nội Bài đang quy hoạch để mở rộng, nâng cấp. Ngay cả ACS, vốn không phải là đối thủ cạnh tranh đáng ngại, thì nay cũng khiến NCT bận tâm nhiều.
Kể từ năm 2015, sự xuất hiện của Vietjet Cargo - công ty vận tải hàng không của Vietjet Air, đã tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các hãng hàng không khác, trong đó có Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines. Do đó, thị phần nội địa của NCT có khả năng bị san sẻ cho ACS.
Về vấn đề này, trong kỳ ĐHCĐ trước, Chủ tịch HĐQT Trần Mạnh Hùng khẳng định, mối quan hệ giữa NCT và ALS vẫn là mối quan hệ tương tác. ALS xử lý hàng hóa của Samsung, Microsoft… từ khu công nghiệp và NCT tiếp quản xử lý, đồng thời NCT sở hữu gần 15% vốn tại ALS.
Đối với câu chuyện thị phần, ông Hùng cho hay, NCT đã chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng dựa trên tình hình thực tế thị trường để giữ vững chỉ tiêu lợi nhuận. Công ty sẽ không giữ thị phần bằng mọi cách, mà hướng tới đảm bảo quyền lợi cổ tức cho cổ đông. Mặc dù vậy, giá mặt bằng kho bãi nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới, nên việc duy trì mức lợi nhuận kỳ vọng có thể là bài toán không dễ dàng đối với Ban lãnh đạo NCT.
Tại ĐHCĐ 2015, câu chuyện thu nhập của HĐQT NCT cũng là điểm nóng khi HĐQT đề xuất mức thưởng cao hơn dự kiến ban đầu do năm 2014 vượt kế hoạch lợi nhuận. Năm 2015, NCT cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận, liệu HĐQT có đề xuất tăng thù lao nữa không? Ngoài thù lao HĐQT, áp lực trong cạnh tranh và khả năng giảm vị thế độc quyền sẽ là những vấn đề nóng tại kỳ Đại hội tới.