Bán hết cổ phần, Vinaconex vẫn hưởng lợi lớn từ Viwasupco
Ngày 20/11/2017, toàn bộ 25,5 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn của Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco, mã chứng khoán VCW) thuộc sở hữu của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được bán cho 2 nhà đầu tư với mức giá trung bình là 39.904 đồng/CP. Theo đó, Vinaconex đã thu về hơn 1.017 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, mặc dù thoái vốn thành công nhưng Vinaconex vẫn còn lợi ích tại doanh nghiệp ngành nước nhiều tai tiếng này.
Theo quy định đấu giá cổ phần của Vinaconex, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần của Viwasupco từ Vinaconex phải cam kết ủng hộ để Viwasupco ký hợp đồng giao cho Vinaconex thi công toàn bộ phần xây dựng Dự án Đầu tư hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn 2 (Dự án Nước Sông Đà giai đoạn 2) theo đúng quy định của pháp luật. Đây có thể được nhìn nhận là hình thức chỉ định thầu, giảm tính cạnh tranh và hiệu quả của Dự án.
IPO ông lớn Sông Đà: Ế nặng
Mặc dù là một nhà thầu có thâm niên trong lĩnh vực thi công các công trình thủy điện quy mô lớn, nhỏ, tuy nhiên phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Sông Đà đã thất bại.
Ngày 25/12/2017, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty Sông Đà tổ chức IPO hơn 219,6 triệu cổ phần, tương đương 48,82% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/CP.
Phiên đấu giá thu hút 229 nhà đầu tư cá nhân tham dự. Khối lượng đăng ký mua hợp lệ đạt 801.500 cổ phần, bằng 0,37% khối lượng cổ phần chào bán. Giá đặt mua cao nhất là 200.000 đồng/CP, giá đặt mua thấp nhất là 11.000 đồng/CP.
Kết quả, 790.900 cổ phần (0,36% số cổ phần đưa ra đấu giá) đã được bán cho 221 nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công bình quân là 11.159 đồng/CP. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 8,8 tỷ đồng.
Lên sàn, nhà thầu COMA thiết lập kỷ lục buồn
Tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) theo hình thức kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tháng 7/2016, doanh nghiệp này thực hiện IPO nhưng chỉ bán được 2% cổ phần chào bán. Chỉ có 2 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 80.000 cổ phần trong tổng số hơn 5,3 triệu cổ phần của COMA mang ra chào bán. Tổng giá trị thu về tương ứng 816 triệu đồng.
Vào tháng 10/2017, COMA đã thực hiện giao dịch 23.850.000 cổ phiếu. Tuy nhiên trong rất nhiều phiên giao dịch, không có một cổ phiếu nào được mua bán. Đáng chú ý cả bên mua và bên bán đều trống trơn. Đây là một trong những câu chuyện hi hữu về thanh khoản trên sàn chứng khoán.
Coteccons và chủ đầu tư tố nhau trên mặt báo
Công ty CP Xây dựng Coteccons là một trong những nhà thầu có uy tín trong giới xây dựng cũng như trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu của doanh nghiệp này cao nhất trong ngành xây dựng với giá trên 200.000 đồng/CP. Tuy nhiên, một vụ việc rất hi hữu xảy ra khi Coteccons và chủ đầu tư lời qua tiếng lại trên mặt báo khiến uy tín của cả hai bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Coteccons là tổng thầu thiết kế và thi công trọn gói Dự án Panorama Nha Trang theo Hợp đồng số 91/HĐTKTC-2016 ngày 1/8/2016 ký với Công ty CP Đầu Tư Xây dựng Vịnh Nha Trang (VNT). Dự án này được thiết kế và cấp phép 39 tầng. Trong quá trình thực hiện, Coteccons cho rằng mình đã tuân thủ đúng hợp đồng và pháp luật, tuy nhiên phía VNT liên tiếp không tuân thủ hợp đồng.
Sau nhiều tranh cãi, hai bên đã gặp gỡ vào ngày 2/11/2017, sau đó thống nhất rút lại tất cả các văn bản đã gửi báo cáo các cơ quan hữu quan của mỗi bên, để giải quyết vụ việc trên tinh thần hướng đến hòa giải và khép lại các tranh chấp.