3 mức ưu đãi đầu tư đặc biệt và 4 tiêu chí bổ sung khuyến khích tăng ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để cụ thể hóa khung ưu đãi đầu tư đặc biệt tối đa được quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Trong đó, Dự thảo đưa ra 3 mức ưu đãi đầu tư cụ thể với 4 tiêu chí bổ sung để được hưởng mức ưu đãi cao hơn. Dự thảo đang được tổ chức lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện để sớm ban hành.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo Dự thảo Quyết định, mức ưu đãi 1 là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 9% trong 30 năm, miễn thuế 5 năm và giảm 50% trong 10 năm tiếp theo; tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước được miễn 18 năm và giảm 55% các năm còn lại. Mức ưu đãi thứ 2 là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 7% trong 33 năm, miễn thuế 6 năm và giảm 50% trong 12 năm tiếp theo; tiền thuê đất, thuê mặt nước được miễn 20 năm và giảm 65% các năm còn lại. Mức ưu đãi thứ 3 là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong 38 năm, miễn thuế 6 năm và giảm 50% trong 13 năm tiếp theo; tiền thuê đất, thuê mặt nước được miễn 13 năm và giảm 75% các năm còn lại.

Dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có vốn đầu tư trên 30 nghìn tỷ đồng, giải ngân tối thiểu là 10 nghìn tỷ đồng trong 3 năm được hưởng mức ưu đãi 1. Nếu dự án ở mức 1 mà đáp ứng được thêm 1 trong 4 tiêu chí bổ sung (công nghệ cao, có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị gia tăng, chuyển giao công nghệ) thì sẽ được hưởng mức ưu đãi cao hơn, tùy theo khả năng đáp ứng điều kiện.

Theo Ban soạn thảo, các mức ưu đãi đặc biệt quy định tại Dự thảo Quyết định là áp dụng chung cho tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trong các ngành nghề khác nhau, không giới hạn trong một ngành nghề cụ thể nào. Các tiêu chí tại Dự thảo Quyết định được xây dựng nhằm thu hút các dự án công nghệ cao, có R&D, giá trị gia tăng cao và tăng cường tính liên kết, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và phát triển cộng đồng, được coi là các biện pháp nằm ngoài vùng ngoại lệ của các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Các tiêu chí không mang tính áp đặt hay bắt buộc phải thực hiện mà chỉ khuyến khích.

Dự thảo Quyết định cũng quy định, điều kiện để dự án đầu tư được hưởng mức 2, mức 3 là đạt thêm một số tiêu chí bổ sung như công nghệ cao, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị gia tăng, chuyển giao công nghệ. Quy định này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để thực hiện được các tiêu chí này, đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn của doanh nghiệp thực hiện đầu tư so với việc không thực hiện thêm bất kỳ tiêu chí nào bổ sung để hưởng mức ưu đãi 1. Trong khi đó, khoảng cách giữa các mức ưu đãi dường như chưa thực sự lớn. Do đó, để có cơ chế đủ mạnh và tạo động lực cho các dự án đầu tư lớn thực hiện thêm các tiêu chí bổ sung, khoảng cách giữa các mức ưu đãi cần có sự cách biệt hơn nữa.

Dự thảo Quyết định xây dựng hai tiêu chí bổ sung để dự án đầu tư được hưởng ưu đãi mức 2 và 3 là tiêu chí về hàm lượng giá trị gia tăng và số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi. Đây là hai tiêu chí phụ độc lập và doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng một trong các tiêu chí này để hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, theo đánh giá của VCCI, tiêu chí có tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sẽ khó thực hiện hơn tiêu chí giá trị gia tăng. Để thực hiện tiêu chí giá trị gia tăng, các tập đoàn lớn có thể kêu gọi các nhà cung ứng nước ngoài nằm trong chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam đầu tư mở nhà máy, cung cấp linh kiện, vật tư cho họ chính tại Việt Nam. Nếu thực hiện tiêu chí có tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, thì các tập đoàn lớn lại cần nhiều thời gian và công sức để xây dựng lại chuỗi, thậm chí hỗ trợ, đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực tham gia chuỗi. Trong khi đó, giá trị bền vững, lợi ích lâu dài của giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi chắc chắn là cao hơn.

Do đó, để tăng tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư lớn, VCCI đề xuất Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh thêm về định lượng của các tiêu chí này, hiện đang đặt ở ngưỡng 30% (mức 2) và 40% (mức 3). Đồng thời, cần quy định về khoảng thời gian để các tập đoàn lớn thực hiện các tiêu chí này (chuẩn bị, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, hay đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng của họ, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian để củng cố, hoàn thiện mình đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư).

Mức ưu đãi

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Tiền thuê đất, thuê mặt nước

Thuế suất

Thời gian hưởng

Thời gian miễn thuế

Thời gian giảm 50% tiếp theo

Thời gian miễn

Mức giảm trong khoảng thời gian còn lại

Mức 1

9%

30 năm

5 năm

10 năm

18 năm

55%

Mức 2

7%

33 năm

6 năm

12 năm

20 năm

65%

Mức 3

5%

38 năm

6 năm

13 năm

23 năm

75%

Tin cùng chuyên mục