4 khuyến nghị hút vốn đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội thảo Kinh tế Biển và Hải đảo: Công tác cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi (SPOWP 2022) tổ chức chiều ngày 8/6, tại Hà Nội, nhóm tư vấn lĩnh vực này đưa ra 4 khuyến nghị lớn để hút vốn đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ kết quả khảo sát về rủi ro giữa các bên trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, thay mặt Nhóm tư vấn được tài trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Nguyễn Việt Long - Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam (EY) cho hay, sau khi phỏng vấn 3 nhà đầu tư trong nước, 2 nhà đầu tư nước ngoài, 5 bên cho vay trong nước và 7 bên cho vay quốc tế, Nhóm đã liệt kê 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió.

“Hiện các nhà đầu tư đang chịu cả 19 rủi ro, bên cho vay cũng chịu 14 rủi ro, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chịu 5 rủi ro và Chính phủ cũng có 2 rủi ro”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, các rủi ro mà các nhà đầu tư điện gió đang gặp phải tại Việt Nam điển hình như: rủi ro liên quan đến hoạt động cấp phép và phê duyệt; rủi ro lựa chọn vị trí thực hiện dự án; tài nguyên gió; thiết kế kỹ thuật; huy động vốn; chậm tiến độ hòa lưới điện; hoạt động xây dựng; thu hồi khu vực biển; cắt giảm sản lượng điện…

Đồng tình với ý kiến của Nhóm tư vấn, chia sẻ với Báo Đấu thầu bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi nhưng việc triển khai các dự án này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến thách thức chưa có quy hoạch không gian biển. “Nếu không có quy hoạch không gian biển sẽ xảy ra sự chồng chéo phát triển giữa các ngành kinh tế”, ông Dũng cho biết.

Liên quan đến cơ chế, chính sách giá, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo PECC3 chỉ ra, hiện chính sách giá với điện gió ngoài khơi chưa được ban hành, vẫn còn bỏ ngỏ đang gây khó khăn không nhỏ cho các nhà đầu tư.

Với hàng loạt các rủi ro như vậy, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, những rủi ro này nếu không được khắc phục thì Việt Nam khó hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng sạch đã đặt ra.

SPOWP 2022 được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách, các đại sứ quán và các bên liên quan chia sẻ những mối quan tâm hiện có, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về công tác cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi; đồng thời góp phần đề xuất cơ chế, chính sách cho việc phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Hiến kế cho vấn đề này, đại diện Nhóm tư vấn - ông Long đề xuất 4 nhóm khuyến nghị chính nhằm hút vốn đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam thời gian tới.

Trước hết là cải thiện khả năng huy động vốn của hợp đồng mua bán điện bằng việc xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro được chấp nhận bởi thông lệ quốc tế (trên cơ sở tham chiếu kinh nghiệm của Vương Quốc Anh). Theo ông Long, trường hợp không có bảo lãnh của Chính phủ, các bên cho vay nước ngoài sẽ yêu cầu một hợp đồng mua bán điện thể hiện rõ cơ chế phân bổ rủi ro tương tự như các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện ký với các dự án BOT nhiệt điện lớn.

Hai là xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và minh bạch nhằm hướng dẫn rõ ràng hơn để hỗ trợ các nhà đầu tư lựa chọn vị trí thực hiện dự án…

Ba là phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Bốn là tăng cường kế hoạch gia cố lưới điện và Quy hoạch điện VIII để hỗ trợ điện gió ngoài khơi.

Theo ông Trần Quốc Điền, Phó tổng giám đốc PECC3, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Những tiến bộ công nghệ đạt được trong thời gian qua cũng đã tăng cường tính ổn định và khả thi của điện gió ngoài khơi. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Việc hiện thực hóa, cụ thể hóa chỉ đạo yêu cầu “xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam” nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị của các cấp, các ngành còn gặp nhiều vướng mắc.

Tin cùng chuyên mục