5 kỷ lục mới của thị trường chứng khoán năm 2015

Gelex (GEX) thành cổ phiếu có khối lượng, giá trị giao dịch lớn nhất trong một phiên trong lịch sử thị trường chứng khoán, SCIC thoái vốn tỷ đô khỏi Vinamilk, cổ tức kỷ lục
5 kỷ lục mới của thị trường chứng khoán năm 2015

1. SCIC phải thoái vốn tỷ đô khỏi Vinamilk

"Con bò sữa tỷ đô" Vinamilk (VNM) cuối cùng cũng được Nhà nước chốt cởi cho tấm áo doanh nghiệp Nhà nước. Tính theo thị giá tại thời điểm Nhà nước chốt thoái vốn, phần vốn Nhà nước tại Vinamilk có giá trị khoảng 2,4 tỷ USD. Qua hơn 2 tháng, cổ phiếu VNM đã tăng đáng kể và tất nhiên, giá trị phần vốn tăng thêm theo giá cổ phiếu VNM.

Thị trường cũng "ầm ĩ" đồn đoán thông tin có bên trả đến 4 tỷ đô để sở hữu phần vốn Nhà nước sẽ thoái nhưng rồi bị phủ nhận. Đồn đoán vẫn còn. Và, đến bây giờ, sau gần 3 tháng thì "chốt cuối" phương án SCIC thoái vốn khỏi VNM vẫn chưa có.

2. Phiên giao dịch lịch sử của Gelex

Gelex (GEX) thành cổ phiếu có khối lượng, giá trị giao dịch lớn nhất trong một phiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cổ phiếu giao dịch đến hơn 122 triệu cổ phiếu bằng phương thức khớp lệnh tương đương gần 2.200 tỷ đồng. Sự kiện diễn ra trong phiên giao dịch 26/12/2015.

Trong phiên lịch sử, cổ phiếu GEX chủ yếu được khớp lệnh ở mức giá 17.700 đến 17.800 đồng nhưng đến hết phiên, cổ phiếu này đã tăng vọt lên 19.500 đồng/cổ phiếu.

Nhiều người cho rằng "tay to" đã canh lệnh nhờ nắm được nhiều thông tin hơn về mức giá tối thiểu Bộ Công thương mong muốn rút vốn.

Cách giao dịch lịch sử này khoảng 4 tháng, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã mua riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu GEX với giá 14.434 đồng/cổ phiếu.

3. Kỷ lục khớp lệnh BID và Nhầm lẫn hy hữu của Market Vector Việt Nam

Market Vector Vietnam ETF đã bất ngờ công bố thay đổi trong danh mục trong kỳ cơ cấu quý 3/2015 của chỉ số Market Vectors Vietnam Index.

Cụ thể, số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của BID (Final Float Shares) đã được điều chỉnh giảm từ 718 triệu cổ phiếu xuống còn 410 triệu cổ phiếu. Điều này cũng khiến vốn hóa tính theo lượng cổ phiếu lưu hành tự do giảm từ 824 triệu USD xuống còn xấp xỉ 471 triệu USD.

Nhầm lẫn và điều chỉnh của Market Vector Vietnam ETF có lẽ bắt nguồn từ sự cố dữ liệu mà quỹ này sử dụng. Tuy nhiên, nhà đầu tư trên thị trường đã bị "hố" theo, mua hơn 9 triệu cổ phiếu BID-cao nhất trong lịch sử khớp lệnh của cổ phiếu này-và rồi hứng chịu 2 phiên giảm sàn liên tiếp. Sau đó cũng là chuỗi giảm điểm khá lâu của BID.

4. Kinh Đô xác lập kỷ lục cổ tức bằng tiền

Năm 2015, CTCP Kinh Đô (nay là CTCP Tập đoàn Kido) quyết định trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông với tỷ lệ 200%. Do chưa từng có tiền lệ, việc chia cổ tức này đã gây ra nhiều bất ngờ cho thị trường chứng khoán.

Trước Kinh Đô, cũng đã có nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao nhưng thông thường doanh nghiệp chia ra nhiều lần chi trả còn Kinh Đô trả một lúc 200%. KDC trở thành doanh nghiệp niêm yết đầu tiên chi trả mức cổ tức cao như vậy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc KDC sẽ phải bỏ ra tới hơn 4.700 tỷ đồng cho lần chia cổ tức đặc biệt này.

5. CTCP Du lịch Đồ Sơn lập kỷ lục về giá đấu giá cổ phiếu

Là một câu chuyện nhầm lẫn bi hài nhưng Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn đã lập lỷ lục về giá đấu giá cổ phiếu. Một nhà đầu tư đã đặt giá đấu gần 58,6 tỷ đồng cho một cổ phiếu trong khi giá khởi điểm chỉ 70.400 đồng và giá đặt mua thấp nhất trong đợt đấu giá này bằng giá khởi điểm.

Có lẽ nhà đầu tư này đã ghi nhầm giá đấu khi tưởng nhầm giá ghi trên phiếu là tổng giá trị đấu giá trọn lô. Theo đó, giá mua dự kiến của nhà đầu tư này là 130.000 đồng/cp. Không có công bố nào khác được đưa ra nhưng nhầm lẫn này cướp đi 3 tỷ đồng bỏ cọc của nhà đầu tư này.

Sau nhầm lẫn bi hài của nhà đầu tư nói trên, SCIC đã liên tục tổ chức lại đấu giá lại nhưng vì sự cố bi hài mà tận lần thứ 4 mới tạm xong với cả 2 phương thức đấu giá và thỏa thuận.

Tin cùng chuyên mục