6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tình hình lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng so với cùng kỳ năm trước.
Quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…(ảnh minh họa internet)
Quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…(ảnh minh họa internet)

Sáng 6/7, Tổng cục Thống kê (TCTK) họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 và kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

Theo đó, quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2021 là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người. So với quý trước, lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng 354,8 nghìn người) và lực lượng lao động nam (tăng 36,3 nghìn người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng hơn 1 triệu người) và lực lượng lao động nữ (tăng hơn 1,3 triệu người).

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý II/2021 là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II là 57,4%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Số lao động sản xuất tự sản tự tiêu trong quý là 4,2 triệu người (tăng gần 0,6 triệu người so với quý trước và 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi của quý II/2021 là 2,60%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý II đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương là 7,3 triệu đồng; lao động nữ là 6,2 triệu đồng.

Theo đánh giá của TCTK, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý II năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.

TCTK đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Cụ thể, tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1 tháng 7 năm 2021. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không tham gia học tập đào tạo tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.

Nâng cao vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức,…) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi thực hiện giãn cách xã hội, bằng những hỗ trợ thiết thực; để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội (tệ nạn xã hội, trộm cắp,…).