8 điểm đổi mới quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng là doanh nghiệp chịu sự tác động.
8 điểm đổi mới quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 273 điều. Dự thảo đề cập đến 8 điểm đổi mới quan trọng.

Một là quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.

Hai là hoàn thiện các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo 3 khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, nhất là đối với khu vực có tính chất điểm nhấn, tạo động lực phát triển và có yêu cầu đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc.

Ba là công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm huy động các nguồn lực xã hội. Quy định cụ thể đối với các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát, tạo nguồn thu ổn định và tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh.

Bốn là phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn để khơi thông nguồn lực; đồng thời, phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, thiết lập các cơ chế quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, kiểm soát và quản lý mọi biến động của thửa đất được cập nhật theo thời gian thực từ địa phương về Trung ương; tăng cường cơ chế kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; các cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.

Năm là tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.

Sáu là chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai. Bỏ khung giá đất, đồng thời hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, gắn với giám sát của Hội đồng nhân dân; thông qua chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, địa tô tăng thêm mà không do người sử dụng đất đầu tư mang lại và hạn chế tình trạng đầu cơ, chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng đất.

Bảy là tiếp tục hoàn thiện các quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy thương mại hoá quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai, nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp và các cơ chế để nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Tám là hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác, đất có mặt nước sử dụng đa mục đích, sử dụng không gian ngầm, trên không,... để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển.

Tại Hội thảo, các ý kiến tập trung thảo luận về 3 nhóm vấn đề chính là đất đai gắn với việc thực hiện dự án đầu tư, sử dụng đất đai để phát triển hạ tầng và lành mạnh thị trường bất động sản.

Để hoàn thiện nội dung sửa đổi Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến tiếp tục tổ chức 2 hội thảo cấp vùng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, miền Nam (ngày 6/8/2022), miền Bắc (ngày 8/8/2022) lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị trình Chính phủ và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/ 2022 theo kế hoạch.

Tin cùng chuyên mục