Tỉnh An Giang đã bố trí cho Dự án thành phần 1 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 9,321 triệu m3 cát san lấp |
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết, trên địa bàn Tỉnh hiện có 20 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, có 14 giấy phép khai thác cát san lấp đã được huy động cung cấp cho công trình với tổng trữ lượng khoảng 19,53 triệu m3, công suất 7,99 triệu m3/năm. Đối với đá, hiện có 6 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng còn lại khoảng 21,6 triệu m3, tổng công suất 3,715 triệu m3/năm.
“Chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho các công trình cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, An Giang đã tích cực cân đối và bố trí nguồn cát san lấp cho các dự án. Đơn cử, cung cấp 0,8 triệu m3 cho Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đoạn qua TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, chúng tôi đã bố trí 2 khu mỏ với trữ lượng dự kiến khoảng 7,5 triệu m3. Riêng với Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua tỉnh An Giang) bố trí 9,321 triệu m3”, ông Nguyễn Việt Trí thông tin.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, nguồn đá cho Dự án sẽ được cung cấp 3.5 triệu m3 từ các khu mỏ đá núi Dài của Công ty Liên doanh khai thác và chế biến vật liệu xây dựng An Giang (ANTRACO), mỏ đá Cô Tô của Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, mỏ đá Bà Đội của Công ty CP Xây lắp An Giang.Tổng khối lượng đá từ 3 mỏ vừa nêu có thể đáp ứng cho toàn bộ Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, để chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng cho Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ngay khi bắt tay thực hiện chuẩn bị đầu tư, Tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với những đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp khai thác các khu mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thi công.
“Vì tính chất quan trọng của Dự án, trong thời gian ngắn, An Giang phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc rất lớn. Trong đó, bảo đảm nguồn vật liệu cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trong bối cảnh hiện nay là một thách thức. Chúng tôi đã phải tính toán, đề ra kế hoạch khai thác, cung cấp vật liệu xây dựng rất khoa học để đáp ứng yêu cầu về khối lượng, chất lượng, đặc biệt là tiến độ thực hiện Dự án”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Theo ông Bình, Tỉnh xác định cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng, nên tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, phù hợp với chủ trương liên kết vùng. Do đó, dù lượng cát thượng nguồn bồi đắp hàng năm không bù đắp kịp khối lượng khai thác, nhưng An Giang đã nỗ lực khảo sát lại toàn bộ các mỏ cát hiện hữu và mỏ mới để phục vụ cho việc thi công tuyến cao tốc qua địa phương. Đồng thời hỗ trợ cho các địa phương trong vùng trên nguyên tắc chia sẻ, với quyết tâm góp sức hoàn thành đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng như kỳ vọng.