Áp lực nợ xấu đang tăng dần

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc các ngân hàng đặt chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi con số của cuối năm ngoái cho thấy dịch Covid-19 đã bắt đầu tác động đến hoạt động của lĩnh vực này.
Đến tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là dưới 2%. Ảnh: Nhã Chi
Đến tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là dưới 2%. Ảnh: Nhã Chi

Ngành ngân hàng đang tích cực giảm chi phí kinh doanh để tái cơ cấu nợ xấu và hạn chế rủi ro của nợ xấu.

Ngày 26/6, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 7% so với năm 2019, lên trên 1,3 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 10%.

Đáng chú ý, Vietcombank đặt chỉ tiêu về nợ xấu năm nay ở mức tối đa là 1,5% tổng dư nợ, cao hơn nhiều so với mức 0,82% và 0,78% lần lượt của cuối quý I/2020 và cuối năm 2019. Theo lý giải của Ngân hàng, chỉ tiêu nợ xấu xây dựng ở mức cao hơn là do tác động từ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Tăng gấp đôi tỷ lệ nợ xấu cũng là nội dung đáng chú ý tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Techcombank. Cụ thể, ngân hàng này đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%, tăng vọt so với con số 1,1% của quý I năm nay và tăng hơn gấp đôi mức 1,33% của cuối năm 2019.

Còn tại Sacombank, ngân hàng này cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam chịu tác động bất lợi từ dịch Covid-19, Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Con số này cao hơn hẳn tỷ lệ 1,94% của cuối năm ngoái.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Ngân hàng TMCP Quân đội với chỉ tiêu nợ xấu dự kiến tối đa là 1,9%, so với mức 1,62% của cuối quý I và tăng hơn gấp rưỡi mức 1,16% cuối năm ngoái.

Đánh giá về xu hướng tăng nợ xấu của các ngân hàng trong năm nay, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, 2 triệu tỷ đồng, tương đương 23% dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động ngân hàng. Do đó, nợ xấu là một trong những thách thức lớn của ngành ngân hàng trong năm nay với mức tăng trích lập dự phòng rủi ro khoảng 6.736 tỷ đồng.

“Để kiểm soát tốt nợ xấu, các ngân hàng cần thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu thông qua việc nắm bắt kịp thời và bám sát các lĩnh vực, khu vực và nhóm khách hàng có nguy cơ và rủi ro cao do ảnh hưởng từ dịch bệnh; rà soát lại tổng thể danh mục, quy trình, hệ thống xếp hạng tín dụng và điều chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần thiết”, ông Lực nói.

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là dưới 2%. Nợ xấu đang có xu hướng tăng từ tháng 3 đến nay nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Các tổ chức tín dụng đang tích cực giảm chi phí kinh doanh để vừa giảm lãi suất cho khách hàng lại vừa tái cơ cấu nợ xấu.

Còn theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ không có khả năng trả nợ. “6 tháng cuối năm là khoảng thời gian có thể chứng kiến những khó khăn của hệ thống tổ chức tín dụng. Hệ thống ngân hàng cũng đang nỗ lực kiểm soát nợ xấu, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu hoạt động. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường rà soát các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng để đánh giá rõ thực trạng nợ xấu và có giải pháp kiểm soát cụ thể”, bà Hồng nói.

Tin cùng chuyên mục